Nguồn tài nguyên khan hiếm
So với các đối thủ khu vực như Singapore, Philippines, Malaysia, indonesia... chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch ở tuyển Việt Nam rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng chuyện nhập tịch ở Việt Nam gặp khó khăn bởi cơ chế, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.
Lãnh đạo VFF khẳng định tuyển Việt Nam luôn mở cửa đón nhận cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều, tuy nhiên khâu đầu vào có những tiêu chuẩn rất khắt khe, đặc biệt nguồn tài nguyên cầu thủ chất lượng không nhiều.
"Xin khẳng định chúng ta không gặp khó khăn về vấn đề cơ chế. Nguyên nhân chính khiến tuyển Việt Nam ít sử dụng cầu thủ nhập tịch là nguồn cầu thủ Việt kiều, cầu thủ có gốc gác Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao rất ít. Một số từng về nước thử việc nhưng không đạt yêu cầu", Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi nói với VietNamNet.
"Ngoài ra, các cầu thủ muốn nhập tịch phải sinh sống và làm việc ở Việt Nam trong thời gian dài và đáp ứng nhiều điều kiện khác, chúng ta không thể nhập tịch ào ào như các nước được.
Nếu cầu thủ nhập tịch có chất lượng tốt và đủ các yếu tố khác, tuyển Việt Nam luôn rộng cửa đón chào. Chúng tôi luôn xem các cầu thủ Việt kiều là nguồn tài nguyên quý giá có thể bổ sung cho bóng đá và các đội tuyển Việt Nam", ông Dương Nghiệp Khôi nói thêm.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam có khá nhiều cầu thủ nhập tịch và một số được triệu tập lên tuyển Việt Nam ở những trận giao hữu, như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley... Gần đây, một số cầu thủ Việt kiều cũng về nước thử sức nhưng không đạt yêu cầu.
Hiện tại, một nhóm cầu thủ Việt kiều như Julien Nguyễn, Thomas Lê Desurmont, Alex Bui, Danny Reid và Damian Vũ Thanh... được chú ý, nhưng để nhập tịch thành công và khoác áo tuyển Việt Nam không phải đơn giản.
Một lãnh đạo VFF từng chia sẻ, từ góc độ tích cực, sử dụng cầu thủ nhập tịch giúp đội tuyển Việt Nam cải thiện cả về thể hình, thể lực, tốc độ lẫn tư duy chơi bóng, qua đó dần thu hẹp khoảng cách trình độ với nhóm đầu châu lục, đến gần hơn với cơ hội dự World Cup.
Tuy nhiên, sử dụng cầu thủ nhập tịch tràn lan như các đội bóng trong khu vực khiến các cầu thủ nội mất động lực phấn đấu, chưa kể ảnh hưởng tới hình ảnh đội tuyển quốc gia, bản sắc, văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác.
Indonesia nhập tịch cầu thủ ồ ạt, tuyển Việt Nam sẵn sàng đối đầu
Sau thất bại ở Asian Cup 2023, tuyển Việt Nam hướng tới mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2024 là vòng loại World Cup 2026. Thầy trò HLV Troussier được giao nhiệm vụ phải vào tới vòng loại thứ 3, như thời HLV Park Hang Seo.
Muốn đi tiếp, tuyển Việt Nam phải có kết quả tốt trong 2 trận then chốt với Indonesia vào tháng 3 tới. Trước trận đấu này, việc đối thủ đẩy mạnh nhập tịch cầu thủ để có thể sử dụng đội hình... toàn "Tây" được giới truyền thông và người hâm mộ quan tâm.
Được biết, HLV Shin Tae Yong đề nghị LĐBĐ Indonesia (PSSI) tiếp tục trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch, dù đã có tới gần 10 cái tên trong đội hình.
Theo đó, 5 cầu thủ gốc gác nước ngoài nhập quốc tịch Indonesia khả năng được triệu tập đấu tuyển Việt Nam gồm thủ môn Maarten Paes (FC Dallas, Mỹ), Thom Haye (SC Heerenveen, Hà Lan), Nathan Tjoe-A-On (Swansea City, Anh), Ragnar Oratmangoen (Fortuna Sittard, Hà Lan) và Jay Noah Idzes (Venezia, Ý).
Ở cuộc đụng độ tại Asian Cup 2023, sức vóc, thể lực của các cầu thủ nhập tịch Indonesia vượt trội hoàn toàn với "Những chiến binh sao vàng". Vì vậy, nếu có thêm cầu thủ nhập tịch trong đội hình, Indonesia sẽ đáng gờm hơn rất nhiều.
"Chúng tôi nắm được thông tin này qua báo chí. Indonesia sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch để tăng cường sức mạnh ĐTQG. Đầu tháng 3 tới, VFF và HLV Troussier sẽ có những cuộc làm việc để chuẩn bị phương án đối phó. Nhìn chung tuyển Việt Nam cũng không phải ngại đối thủ bởi chúng ta cũng có điểm mạnh riêng, có sự trở lại của nhiều trụ cột", ông Dương Nghiệp Khôi cho biết.