Năm 2017, Trung tâm CNSH An Giang đã nghiệm thu 21 kế hoạch, đề tài nghiên cứu và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện 7 kế hoạch nghiên cứu, khảo nghiệm năm 2016 và 21 nhiệm vụ KH&CN thường xuyên theo chức năng. Nổi bật như: khảo nghiệm, chọn tạo các giống hoa và cây kiểng tiềm năng phục vụ phát triển du lịch vùng Bảy Núi; đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và chuyên gia; nghiên cứu đa dạng hóa các dòng rượu vang thốt nốt.
Trưng bày các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm CNSH
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã triển khai đề tài nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống và hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế của đàn bò thịt tại An Giang; đánh giá thành tích sinh sản của bò cái Brahman thuần được phối giống với tinh bò đực cao sản Wagyu, Black Angus và Charolais, đánh giá thành tích sinh sản trên bò cái địa phương được phối giống với tinh bò đực cao sản Wagyu, Black Angus và Charolais. Khảo nghiệm, chọn tạo các giống hoa và cây kiểng tiềm năng phục vụ phát triển du lịch vùng Bảy Núi: đã xây dựng mô hình và trồng bảo tồn các giống đã sưu tập tại Vĩnh Bình, theo dõi mô hình trồng khảo nghiệm và quá trình nhân giống phương pháp truyền thống. Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác dụng và hiện đại hóa bài thuốc của lương y Trần Quang Trung từ nguồn dược liệu tỉnh An Giang, hiện đang nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm bán thành phẩm (cao chiết có tính an toàn và có tác dụng dược lý tốt nhất). Ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng phát triển cụ thể như: dự án xây dựng mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc; dự án xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines nuôi cấy mô tại xã Bình Thành (Thoại Sơn); dự án xây dựng mô hình trồng rau an toàn ứng dụng CN cao tại Châu Đốc.
ThS Nguyễn Công Kha, Giám đốc Trung tâm CNSH An Giang cho biết: “Kết quả thực hiện khâu đột phá về KH&CN, đang chọn tạo một số giống nấm ăn và nấm dược liệu chịu nhiệt như: nấm hầu thủ, nấm hoàng chi. Thử nghiệm sản xuất sinh khối vi tảo Staxanthin từ vi tảo Haematococcus pluvialis dưới dạng pilot. Nhận chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi thỏ và dê giống thuần; đã thử nghiệm chế phẩm vi sinh (Uchishiro soil-bacteria) lên khả năng tăng trưởng của lươn đồng (Monopterus albus) nuôi trong bể lót bạt. Hiện trung tâm đã nghiên cứu thành công, sản xuất và bán các sản phẩm cây giống: hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông, rượu đông trùng, rượu vang và trà chùm ngây”.
Từ nay đến cuối năm 2018, Trung tâm CNSH An Giang tiếp tục lựa chọn quy trình kỹ thuật phát triển giống dê lai nền theo hướng chuyên thịt từ dê Boer thuần với dê Bách Thảo thuần phục vụ định hướng phát triển chăn nuôi; nghiên cứu, đánh giá công thức của thức ăn tinh hỗn hợp đối với sự phát triển của giống bò cái tơ chuyên thịt từ nguồn nguyên liệu của địa phương; nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và bảo tồn, phát triển giống, nguồn gen một số cây dược liệu tiềm năng bằng phương pháp tạo hạt nhân tạo; nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy ngập chìm tạm thời trong vi nhân giống cây trồng sạch bệnh, phục vụ nông nghiệp ứng dụng CN cao tỉnh An Giang.
ThS Kha thông tin: “Trung tâm tiếp tục nghiên cứu lựa chọn, hoàn thiện quy trình kỹ thuật phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ tảo Spirulina platensis (tảo xoắn) và tảo H.Pluvialis, từ nấm Cordyceps militaris, nấm Cordyceps Isaria Tenuipes và nấm hương chịu nhiệt. Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn, nấm nội sinh từ cây dược liệu có khả năng sản xuất hoạt chất sinh học Lovastatin, Prodigiosin và Enzyme phytase; sàng lọc một số loại cây dược liệu có khả năng phòng trị sâu khoang (Spodoptera liteura), sâu xanh da láng (Spodoptera exigua) ở tỉnh An Giang. Hoàn thiện quy trình chế biến đa dạng hóa một số sản phẩm từ gấc, lá mối, nước thốt nốt và chùm ngây theo hướng phát triển thực phẩm chức năng; hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nước uống từ dâu tằm, gấc, nha đam, thanh long trên địa bàn tỉnh An Giang...”.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU