Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

11/06/2020 - 04:52

Những năm qua, huyện Châu Thành (An Giang) chú trọng triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo những bước chuyển tích cực, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Với việc tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất mới, phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao được huyện duy trì và nhân rộng. Tiêu biểu như các mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Nhận thấy việc trồng đậu nành rau mang lại lợi nhuận ổn định, đầu ra được đảm bảo khi ký hợp đồng bao tiêu với công ty, ông La Tráng Kiện (ngụ ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành) đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3ha trồng đậu nành rau.

Ông Kiện chia sẻ: “Qua thực tế, hiệu quả từ trồng đậu nành rau cho thu nhập ổn định hơn nhiều lần so các loại cây trồng khác. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, đậu nành rau sẽ cho thu hoạch từ 9-11 tấn/ha. Nếu được thu mua giá trên 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi từ 35-40 triệu đồng/ha”. Hay như gia đình ông Huỳnh Ngọc Bảo (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt kết hợp trồng bưởi da xanh. Hiện, mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem về lợi nhuận cho gia đình ông gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến mà cơ giới hóa cũng được áp dụng vào đồng ruộng. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công đoạn chính của quá trình sản xuất như: làm đất, tưới tiêu, công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông sản phát triển rất mạnh mẽ và được nông dân áp dụng triệt để. Ngoài ra, nhiều nông dân còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như: rơm sau khi thu hoạch để trồng nấm rơm hay làm thức ăn cho gia súc, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống của người lao động ở nông thôn.

Lãnh đạo huyện Châu Thành khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Nhiều công ty, doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện sản xuất “trọn gói”, theo quy trình từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật canh tác, cùng với ngành nông nghiệp tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Tiêu biểu nhất là mô hình “Cánh đồng lớn”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, vụ đông xuân 2019-2020, toàn huyện có gần 500 hộ nông dân thực hiện ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao theo mô hình “Cánh đồng lớn” trên 1.312ha (tăng gần 810ha so cùng kỳ).

Tham gia sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, nông dân giảm được chi phí sản xuất nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, được các kỹ sư tư vấn hỗ trợ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hợp tác thu hoạch và tiêu thụ... Ngoài ra, thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” còn giúp các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định với sản phẩm đúng theo nhu cầu và chất lượng được kiểm soát và giải quyết vấn đề khó khăn trong tiêu thụ lúa, gạo cho người nông dân…

Để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển bền vững, huyện Châu Thành tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển hiện đại. Đồng thời, tận dụng những lợi thế của địa phương để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào đồng ruộng và quy trình sản xuất của ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân về vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nuôi trồng cây, con giống chất lượng cao. Đồng thời, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế của địa phương…

TRUNG HIẾU