Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới

13/10/2022 - 07:06

 - Giai đoạn 2016-2021, An Giang đã tập trung thực hiện tốt chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng NTM ở các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021, An Giang đã triển khai ngay và đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã tổ chức thực hiện 664 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai dự án “Xây dựng và phát triển hợp tác xã sản xuất, cung ứng lúa giống chất lượng góp phần xây dựng NTM” tại huyện Thoại Sơn. Qua đó, đã góp phần thực hiện đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 50 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh hiện có 87/119 xã đạt tiêu chí thu nhập năm 2021.

Trên lĩnh vực trồng trọt, An Giang đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KH&CN theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với sử dụng pin năng lượng mặt trời; tưới thông minh kết hợp các thiết bị điều khiển tự động; sử dụng hệ thống tưới thông minh kết hợp bón phân cho cây trồng; trồng rau màu, hoa trong nhà lưới; ươm cây giống trong nhà màng...

Khi ứng dụng công nghệ cao, nông dân trồng rau màu ước tính năng suất tăng 20-25% so với sản xuất thông thường. Riêng cây ăn trái, có thể giảm 20-30% chi phí sản xuất và lượng nước tưới, tiết kiệm nhiều công lao động so với phương pháp canh tác truyền thống.

An Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để xây dựng nông thôn mới

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nông dân An Giang cũng áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào các mô hình mới, như: Ứng dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh... Từ đó, thu nhập của các hộ chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao tăng 10-20%, tạo tiền đề hình thành được nhiều vùng chăn nuôi công nghệ cao có doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư.

Với lĩnh vực thủy sản, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ đã góp phần tăng thu nhập cho người dân hơn 20% so với nuôi theo phương pháp cũ. Đồng thời, giảm được tỷ lệ hao hụt và xử lý được mầm bệnh, tăng tỷ lệ sống, tăng trọng nhanh, giảm hàm lượng thức ăn...

Theo ông Trần Anh Thư, bên cạnh Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021, An Giang đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm phục vụ xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, tỉnh đã ban hành quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực và tiềm năng.

Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ trên cơ sở quy định của Trung ương và thu hút nhiều DN, tập đoàn lớn về đầu tư, như: Tập đoàn Việt Úc, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đầu tư sản xuất cá tra giống; Công ty Cổ phần TH đầu tư chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (canh tác lúa không dấu chân, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP)…

Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương còn nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là về nguồn lực tài chính. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ để liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chưa thuận lợi. Quá trình hợp tác giữa các DN và người dân còn nhiều vấn đề phát sinh. Công tác kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ còn hạn chế. Đặc biệt, chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất ban đầu thường khá cao nhưng giá bán chưa ổn định, khó thuyết phục được nhiều nông dân tham gia.

Giai đoạn 2021-2025, An Giang sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thông qua việc tập hợp nguồn lực KH&CN, đặc biệt là nguồn lực từ Trung ương nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và môi trường nông thôn.

Về giải pháp, tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được thời gian qua nhằm bảo đảm hiệu quả và tiến độ thực hiện Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào các đề tài, dự án, các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, nhất là mô hình hỗ trợ cho những xã khó khăn xây dựng NTM, mô hình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), môi trường nông thôn…

Để Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM tiếp tục đạt hiệu quả cao, An Giang sẽ tích cực phát huy vai trò của người dân, DN trong việc ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu lấy nông dân làm chủ, lấy nông thôn là địa bàn, lấy KH&CN là bước đột phá trong thời gian tới.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; dự án phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nông thôn; khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô 1.000ha, để góp phần phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao.

 

THANH TIẾN