Vắc xin COVID-19 có thể ngăn ngừa người nhiễm biến thể Omicron trở nặng

29/11/2021 - 08:23

Sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể do ổ virus trong cơ thể của những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19 và bị ức chế miễn dịch.

Chuyên gia Barry Schoub là Chủ tịch Ủy ban cố vấn về vắc xin COVID-19 của Nam Phi. Ông Schoub nhận định: “Trong khi các nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin chống lại Omicron đang được tiến hành, chúng tôi có thể khá lạc quan rằng vắc xin sẽ bảo vệ người bệnh khỏi trở nặng”.

Giáo sư Barry Schoub. Ảnh: Time of Israel

Giáo sư Schoub cho rằng sự phổ biến của HIV trong khu vực nam Châu Phi có thể liên quan đến sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ông cũng nhấn mạnh mối liên hệ với những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19.

Theo thống kê, 9 quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới nằm ở phía nam của châu Phi.

Omicron - có 32 đột biến trên protein gai - lần đầu tiên được xác định trong khu vực trên. Hiện nay, các ca bệnh đã được tìm thấy ở các nước thuộc những châu lục khác như Israel, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức, Áo, Australia...

Giáo sư Schoub giải thích: “SARS-CoV-2 là một loại virus có xu hướng đột biến rất dễ dàng. Ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch một phần, virus còn sót lại sẽ biến đổi một cách có chọn lọc để thoát khỏi khả năng miễn dịch và dễ lây truyền hơn”.

"Vì vậy, tôi nghĩ nơi biến thể phát sinh có thể là những người chưa được tiêm chủng, những người bị ức chế miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch một phần do họ không loại bỏ được hết virus".

HIV - hay virus gây suy giảm miễn dịch ở người - phá hủy các tế bào trong hệ miễn dịch của bệnh nhân và làm suy yếu khả năng chống lại các bệnh hằng ngày.

Khi được hỏi liệu tỷ lệ nhiễm HIV cao - nhưng đang giảm - ở Nam Phi có thể là một phần của câu chuyện đằng sau Omicron hay không, Tiến sĩ Schoub nói: "Đó có thể là một phần của câu chuyện. Điều đó có vẻ hợp lý nhưng có nhiều nguyên nhân gây ra ức chế miễn dịch”.

“Những người nhiễm HIV đang điều trị được kiểm soát tốt, có khả năng miễn dịch. Nhưng có thể sẽ là vấn đề ở những người không được điều trị, chưa bắt đầu điều trị”.

Theo AN YÊN (Vietnamnet)