Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Đi lên từ Tổ hợp tác (THT) làm vườn Bến Bà Chi, Hợp tác xã (HTX) Bến Bà Chi hiện có 36 thành viên, diện tích canh tác 60,4ha. Trong đó, có 11 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 20ha. Giám đốc HTX Bến Bà Chi Bùi Văn Quí cho biết, tham gia HTX, nông dân có nhiều lợi ích. Trong quá trình canh tác, thành viên cùng nhau xử lý để xoài cho trái cùng lúc, dễ dàng tính toán sản lượng. Trước mỗi đợt thu hoạch, HTX sẽ chủ động đàm phán giá bán và sản lượng nên nông dân an tâm về đầu ra.
Hội Nông dân huyện Tri Tôn hỗ trợ nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác
Ngoài ra, thành viên HTX còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác. Đồng thời, nhắc nhở nhau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, đảm bảo an toàn sản phẩm nên việc canh tác ngày càng thuận lợi. Mặt khác, thành viên còn được giới thiệu mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà không phải trả tiền mặt, đến cuối vụ mới thanh toán; được cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác thông minh… Nhờ vậy, việc canh tác mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân huyện cùng các cơ sở hội đã chủ động phối hợp các ngành, tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, câu lạc bộ nông dân, HTX, trang trại... 5 năm qua, đã vận động thành lập mới 5 chi hội nông dân nghề nghiệp, 183 thành viên; 402 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 4.866 thành viên; 105 câu lạc bộ nông dân, 19.233 thành viên. Hội Nông dân các cấp còn vận động, hướng dẫn thành lập 24 HTX, 541 thành viên; 55 THT sản xuất, với 689 thành viên.
Từ việc tham gia các loại hình kinh tế tập thể, hội viên, nông dân có điều kiện liên kết, hỗ trợ nhau giống, vốn, kỹ thuật… Hội viên nông dân còn được hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; làm ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường. Đồng thời, góp phần tích cực vào phong trào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Liên kết tiêu thụ nông sản
Ngoài việc vận động tham gia loại hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Tri Tôn còn đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất lúa gạo bền vững gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”. Dự án do Hội Nông dân tỉnh ký kết với Tổ chức Rikolto/Veco Việt Nam, thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017 - 2021, được triển khai tại THT sản xuất lúa thương phẩm ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến). Hội Nông dân huyện Tri Tôn cùng Hội Nông dân tỉnh làm việc với Tổ chức RiKolto/Veco về dự án chuỗi lúa gạo; tổ chức 7 cuộc tham vấn nông nghiệp lúa gạo bền vững cho 95 nông dân. Đồng thời, hỗ trợ thêm 2 mô hình nuôi cá sinh kế trong mùa lũ tại ấp Tân Lập (xã Tân Tuyến).
Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn phối hợp các phòng, ban chuyên môn thuộc Hội Nông dân tỉnh; các ngành, các cấp tổ chức tập huấn, đưa sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm đặc trưng, như: Đường thốt nốt, tinh dầu chúc, gạo DS1, gạo Nàng Nhen, xoài VietGAP…
Hội Nông dân huyện Tri Tôn tham gia và tổ chức trưng bày sản phẩm của nông dân tại các phiên chợ, sự kiện quan trọng của địa phương. Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nông dân đến nhiều địa phương khác. Đơn vị còn phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân với diện tích 19.000ha/vụ .
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tri Tôn cùng các cơ sở hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn thành lập 3-5 chi hội nông dân nghề nghiệp, 5-10 tổ hội nông dân nghề nghiệp/năm. Toàn huyện sẽ thực hiện 1-2 chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương, như: Dự án chăn nuôi bò, làm vườn, đường thốt nốt, chuỗi liên kết sản xuất… Đồng thời, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có ít nhất từ 10-11 THT…
Tri Tôn là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, nhiều tôn giáo, diện tích đất tự nhiên 60.023ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 79% diện tích. Toàn huyện có 33.441 hộ nông dân, với 4.765 hội viên đang sinh hoạt tại 77 chi hội khóm, ấp.
|
ĐỨC TOÀN