Văn hóa tạo động lực phát triển quê hương

04/09/2023 - 07:10

 - Thời gian qua, ngành văn hóa An Giang tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm; phấn đấu thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà giao phó, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện.

Đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa

 Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đảng, Nhà nước, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học - nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác...”.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, những năm qua, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tổ chức sự kiện trên địa bàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết, sự kiện lịch sử được phát triển đa dạng, như: Tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan...

Nhất là, tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bắn pháo hoa đón giao thừa hàng năm; Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang; Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023)...

“Các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức tốt, đổi mới về hình thức và nội dung, ngày càng được nâng cao về chất và lượng, tổ chức nhiều sự kiện, phong trào văn hóa từ cấp tỉnh đến tận xã, phường, thị trấn, thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức người lao động, quần chúng nhân dân.

Từ đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giai đoạn 2014 - 2023, ngành VH-TT&DL tỉnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức trung bình mỗi năm 60 hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, huyện; xây dựng nhiều chương trình văn nghệ chủ đề, chương trình tuyên truyền lưu động chất lượng (400 suất tuyên truyền lưu động, chiếu 300 suất phim phục vụ Nhân dân tại cơ sở và lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh); duy trì sinh hoạt hàng ngàn câu lạc bộ đờn ca tài tử, ca múa, nhạc… tạo sân chơi lành mạnh cho công chúng; biểu diễn văn nghệ hỗ trợ địa phương xây nghĩa trang nhân dân, gây quỹ từ thiện, ủng hộ người nghèo, xây dựng cầu, cất nhà Đại đoàn kết…

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Bá Trạng thông tin: “Hàng năm, ngành văn hóa tỉnh đều lồng ghép vào chương trình văn nghệ nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, văn hóa ứng xử trong sử dụng âm thanh đám tiệc…

Từ năm 2014 đến nay, mô hình tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh phối hợp trung tâm văn hóa - thông tin cấp huyện, xã thực hiện. Các hoạt động văn hóa dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của đồng bào, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh biên giới, lãnh thổ”.

Trung tâm văn hóa - thông tin xã, phường, thị trấn (Trung tâm học tập cộng đồng) phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi của Nhân dân. Ngoài ra, tư nhân còn đầu tư, tài trợ tổ chức hoạt động văn hóa - thông tin, như: Câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, thơ người cao tuổi, tuồng cổ, thể hình, thời trang, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, xe đạp, sân bãi, phòng/ điểm đọc sách, báo…

Hiện, có trên 800 câu lạc bộ thể dục - thể thao, trên 1.500 sân bãi tập luyện thể thao các loại (tập trung nhiều ở bóng đá mi-ni, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và thể dục thể hình - thẩm mỹ); 82 bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, quảng bá hoạt động VH-TT&DL của cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Hoa, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong tỉnh, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương An Giang ngày thêm giàu đẹp.

“Thời gian qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, Nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến được phát huy, nhân rộng, góp phần thiết thực xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị “chân - thiện - mỹ” của con người, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cuộc sống của mỗi gia đình hạnh phúc hơn. Đây là một trong những mục tiêu hướng đến của ngành văn hóa” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh.

THU THẢO