Vì sao nông dân nuôi cá thát lát cườm bị thua lỗ?

21/03/2023 - 07:56

 - Với giá bán dao động từ 70.000 - 150.000 đồng/kg, cá thát lát cườm trở thành đối tượng thủy sản giúp nhiều ngư dân thu được lợi nhuận cao ngay từ vụ nuôi đầu tiên. Chính từ đó, phong trào nuôi loài cá này phát triển rầm rộ khắp khu vực ĐBSCL thời gian qua.

Nguyên nhân

An Giang, đi đầu trong phong trào nuôi cá thát lát trong ao đất, mùng (vèo), trước hết phải kể đến ngư dân ở huyện Phú Tân, Châu Phú, Thoại Sơn, TX. Tân Châu... Năm 2015 - 2016, khi giá cá tra thương phẩm rớt ở mức thấp (do cung vượt cầu), nhiều ngư dân đã tìm đối tượng thủy sản khác thay thế, lúc đó cá thát lát cườm được nhiều người lựa chọn. “Giá cá thương phẩm lúc đó từ 63.000 - 72.000 đồng/kg, trong khi con giống (loại 1,6 cm) chỉ 1.000 đồng/con, thức ăn 450.000 - 470.000 đồng/bao (tùy loại và độ đạm), nên giá thành nuôi từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Ngư dân thu lợi nhuận từ 5.000 - 20.000 đồng/kg, nhiều người bỏ cá tra sang nuôi cá thát lát” - ông Đỗ Tấn Vinh (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.

Còn hiện nay, giá cá ở mức bình quân 50.000 - 52.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi ở mức 55.000 đồng/kg, mỗi ký cá xuất hầm, nông dân thua lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg. “Cá có giá, thương lái đến hầm tìm mua suốt ngày. Cá rớt giá, chẳng có ai mua. Ngư dân vùng này thua lỗ, bởi thức ăn không đạt tiêu chuẩn, thay vì nuôi 1,4 - 1,5kg thức ăn cho ra 1kg cá tăng trọng thì nay, có người nuôi lên 2,2kg mồi mà cá vẫn không đạt” - ông Vinh phân tích.

Năng suất cá thát lát cườm đạt từ 4 - 6 tấn/ha (nuôi thưa)

Hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá vận chuyển tăng, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Cụ thể, đối với mặt hàng cám, giá mua hiện nay lên 8.900 - 9.000 đồng/kg (giá về tới nhà máy), trong khi trước đó chỉ có 4.500 đồng/kg. Mì lát 7.300 -7.400 đồng/kg, đậu nành 15.600 đồng/kg, trấu đốt tăng từ 800 đồng lên 1.600 đồng/kg.

Ngoài yếu tố thức ăn, ngư dân nuôi cá bị thua lỗ còn do thị trường đầu ra. Năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát, ở xã Hòa Lạc, Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), cá của ngư dân đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được do di chuyển khó khăn. Dịch bệnh đi qua, thị trường chưa phát triển, trong khi người nuôi thì nhiều. Trong sản xuất, thị trường đóng vai trò quan trọng. Hai năm đại dịch, Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh, từ đó cá thát lát cườm và các sản phẩm chế biến từ loài cá này tiêu thụ bị hạn chế, trong khi tại ĐBSCL, ngư dân chưa tìm được đối tượng khác để chuyển đổi, đành nuôi cá thát lát, từ đó gặp khó khăn.

Giải pháp

Cá thát lát cườm là đối tượng nuôi rất hiệu quả, ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, loài cá này còn được tiêu thụ rất lớn ở thị trường nội địa. Ngày nay, ngoài chế biến món chả cá nấu canh, loài cá này còn được đầu bếp các nhà hàng chế biến hơn 30 món ăn khác nhau phục vụ khách. Cụ thể, ngoài cá thát lát rút xương muối xã ớt chiên, cá còn được kho nước dừa, sốt cà chua, rang muối...

Ở khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi năm ngư dân nuôi khoảng 200.000 tấn và tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển cá giống. Các địa phương còn lại, như: TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… ngư dân phát triển nuôi cá thương phẩm. “Cá thát lát cườm nuôi càng lớn, thịt ăn càng dai, du khách rất thích. Ngày nay, khi kỹ thuật chế biến đạt đến trình độ cao, sản phẩm cá thát lát cườm rút xương chiếm được ưu thế trên thị trường, vì thịt cá không còn xương, phù hợp với người già và trẻ em nên rất có giá trị” - anh Nguyễn Văn Lãm (đầu bếp quán Thu Thủy, phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Để ngư dân nuôi cá thát lát cườm không còn thua lỗ, yếu tố liên kết, hợp tác trong chăn nuôi, tiêu thụ đóng vai trò quan trọng. Hiện, đa phần nông dân sản xuất theo phương thức “tự cung, tự cấp”, cá được tiêu thụ qua thương lái ở TP. Long Xuyên, các chợ đầu mối là chính. Khi cá tăng giá, thương lái tìm đến hầm mua rất đông; khi cá rớt giá, ngư dân tìm thương lái để tiêu thụ rất khó khăn. 10 năm trở lại đây, để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, ngư dân nuôi cá thát lát cườm có nhiều sáng kiến, nuôi cá thát lát chung với cá sặc bổi hoặc cá tra. Vèo đặt trong hầm để nuôi cá thát lát, ngoài vèo thả nuôi cá tra, cá sặc bổi. Thông thường, vèo có kích thước ngang 12m, dài 14m, sâu 3m. Tùy mật độ thả cá dầy hay thưa mà sản lượng của mỗi vèo đạt từ 10 - 15 tấn, có vèo nuôi mật độ cao đến 30 tấn.

“Thời điểm cá có giá, ngư dân nơi đây thả giống vào vèo mật độ rất cao, từ 30.000-50.000 con/vèo, đồng thời chạy ô-xy hàng ngày cho cá khỏe. Nếu cá thát lát rớt giá thì ngư dân còn có cá sặc hoặc cá tra bán được với giá cao, cách làm này để giảm rủi ro…” - ông Đỗ Tấn Vinh (xã Hòa Lạc) chia sẻ.

“Liên kết trong quá trình sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã rất có ý nghĩa. Bởi khi có liên kết, ngư dân mới thực hiện được mô hình “mua chung, bán chung”, giảm chi phí mua thức ăn, giá bán sẽ tốt hơn - thông qua đàm phán. Bởi mua bán với số lượng lớn thì ngư dân rất lợi thế trong quá trình đàm phán” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

 

MINH HIỂN