Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa thiên Huế, có chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp để đáp ứng nhu cầu liên quan đến các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh theo ba chức năng chính: Giám sát, phân phối; Điều hành, điều phối và Hỗ trợ chỉ huy.
Hiện tại, đã có hơn 85 cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động xử lý phản ánh hiện trường trong đó: 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện; 100% phường thuộc TP Huế, 100% các phường thuộc TP Huế, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, các đơn vị dịch vụ công ích, sự nghiệp, các doanh nghiệp, ngân hàng. Sau sáu tháng vận hành, chỉ riêng với Trung tâm đã tiếp nhận và thu thập gần 3.500 phản ánh từ người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp quan trọng UBND tỉnh: Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp và 100% cơ quan Công an tỉnh, Công an cấp huyện; Cục quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tham gia kết nối các dịch vụ. Người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể tự giám sát quy trình thực hiện các thủ tục hành chính công thông qua website hoặc ngay trên smartphone của mình.
Đánh giá tại lễ ra mắt Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Đô thị thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cách làm này đã chứng minh tính khả thi và tính thực tiễn hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền nhân dân Thừa Thiên - Huế hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc an toàn, chất lượng”.
Trên thực tế, việc triển khai các đô thị thông minh không thể tách rời những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, các giải pháp CNTT-VT nếu muốn phát huy hiệu quả cần được “may đo” phù hợp đặc thù từng tỉnh, nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Mô hình tại Thừa Thiên – Huế kết hợp được nhu cầu đặc thù của tỉnh với những giải pháp công nghệ hiện đại, chiến thắng tại hạng mục Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng Viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019.
Theo dự kiến, hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên – Huế sẽ được tiếp tục “may đo công nghệ” để đưa những công nghệ mới như áp dụng tối đa trí tuệ nhân tạo nhằm tự động hóa dịch vụ, và hoàn thành các ứng dụng cơ bản về các dịch vụ đô thị thông minh như y tế, giáo dục, dịch vụ công, du lịch, thanh toán. hệ thống hoàn chỉnh dự kiến đưa vào vận hành toàn diện vào năm 2020.
Theo LT (Nhân dân)