Sau khi được công nhận là xã NTM năm 2017, UBND xã Vĩnh Khánh đã xây dựng kế hoạch duy trì, giữ vững các tiêu chí. Đồng thời, tập trung nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2018-2021. Tính đến nay, xã đã tự đánh giá đạt 19/19 tiêu chí, 35/35 chỉ tiêu NTM nâng cao. Kết quả nổi bật là hệ thống giao thông của xã đảm bảo nhựa hóa, sạch và các công trình giao thông nội đồng đảm bảo phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi, đạt 100%; xã đã lập quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, chỉnh trang khu dân cư hiện có trên địa bàn.
Các tuyến đường liên ấp ngày càng sạch đẹp, thông thoáng
Xã Vĩnh Khánh đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích trồng lúa 2.776ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 6,8 tấn/ha. Địa phương còn vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao, như: trồng nấm bào ngư trong nhà, trồng bưởi da xanh, nuôi lươn giống, bò, dê…
Năm 2020, xã Vĩnh Khánh đã thành lập thêm 2 hợp tác xã, nâng số hợp tác xã nông nghiệp của xã lên 3 hợp tác xã với 200 thành viên, hàng năm đều ký bao tiêu diện tích sản xuất lúa với nông dân. Vĩnh Khánh đã đăng ký mô hình công nghệ cao “Gạo an toàn”, xây dựng thành sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”).
Đến nay, xã Vĩnh Khánh đã phát triển 20 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường dạy nghề và giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn. Cơ sở hạ tầng chợ trung tâm xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân. Chính nhờ sự phát triển đồng bộ mà đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, hiện toàn xã còn 20 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,83% so tổng số hộ), thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 trên 64 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 21,4 triệu đồng so năm 2018). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt 95,12% (tăng 9,72% so với năm 2017); 99,17% hộ sử dụng điện sinh hoạt; 100% hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Toàn xã có 2.075/2.410 hộ tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch, đẹp đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 86%). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách xã hội cho đối tượng chính sách được thực hiện chu đáo, kịp thời. Việc chăm lo đời sống tinh thần cho người dân và sự nghiệp giáo dục của xã được quan tâm tốt. Xã Vĩnh Khánh đã đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2. Các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tại địa phương và an ninh trật tự xã hội được đảm bảo.
Xây dựng bờ kè, mở rộng đường nông thôn
Qua kiểm tra các tiêu chí, chỉ tiêu thực tế tại xã Vĩnh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ đánh giá, địa phương đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao. Tuy nhiên, địa phương cần hoàn thiện cảnh quan môi trường, đẩy mạnh tiêu chí liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân, đồng thời, đề nghị địa phương cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt về tiêu chí 19.2 (an ninh trật tự), giảm thiểu các loại tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Huyện Thoại Sơn đang phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu. Do vậy, xã Vĩnh Khánh cần không ngừng nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với bộ tiêu chí mới sắp ban hành, xác định thế mạnh địa phương, lĩnh vực được người dân đồng tình ủng hộ để đăng ký tiêu chí kiểu mẫu. Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, địa phương cần phải đảm bảo tốt an sinh xã hội, tăng thu nhập người dân, phát triển đời sống tinh thần, đặc biệt là chăm lo giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa người dân để họ tiếp thu những thành tựu, tiến bộ của khoa học - kỹ thuật.
Ông Trương Kiến Thọ đề nghị, thời gian tới, xã Vĩnh Khánh cần bám sát vào 2 kế hoạch, gồm: kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm tăng kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
TRÚC PHA