Vĩnh Phúc: Loại trái đặc sản này đã "mở mắt" trên đồi, chín thơm ngon, nhà nào trồng nhà đó khá giả

25/07/2021 - 14:09

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi về xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng bà con nơi đây đón nhận niềm vui khi na bắt đầu vào vụ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dự kiến năng suất na cao hơn mọi năm, thương lái nhiều nơi đã tìm về đặt điểm thu mua tại xã.

Giá na thu mua tại vườn dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, tại các thôn có diện tích trồng na lớn như: Ngọc Thụ, Trại Mái, Đồng Bụt... giá na thu mua tại vườn có thể từ 50.000 – 70.000 đồng/1kg, tùy vào chất lượng quả.

Vĩnh Phúc: Loại trái đặc sản này đã "mở mắt" trên đồi, chín thơm ngon, nhà nào trồng nhà đó khá giả - Ảnh 1.

Nhờ tham gia HTX Nông nghiệp – DV&TM Tam Đảo, gia đình ông Phùng Văn Lục, xã Bồ Lý trồng (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) na dai cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.Ảnh: Thế Hùng

Cứ độ giữa tháng 7, đầu tháng 8, bà con xã Bồ Lý lại tất bật chuẩn bị thu hoạch na. Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 84 ha trồng na, hộ trồng nhiều nhất gần 3 ha.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, cùng với việc áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo, cắt tỉa cành theo quy trình kỹ thuật, cây na đậu nhiều quả hơn so với mọi năm, sản lượng thu hoạch tại các vườn tăng đáng kể.

Tại HTX Nông nghiệp – Dịch vụ và thương mại (DV&TM) Tam Đảo, với 18 hộ tham gia trồng na trên diện tích 10 ha, vụ na năm nay, dự kiến sản lượng thu hoạch của HTX đạt khoảng gần 70 tấn (tăng 20% so với trung bình mọi năm).

Anh Phùng Xuân Trường, Giám đốc HTX cho biết: “Tính trung bình 3 năm trở lại, đây là năm na được mùa nhất. Tuy quả không quá to, song cây nào cũng sai, chất lượng quả đồng đều.

Năm nay được mùa, giá na vẫn giữ được như mọi năm, na loại 1 được thu mua với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/1kg, na loại 2, 3 dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/1kg. Nhằm mở rộng đầu ra, ngoài xuất cho thương lái, HTX cũng giới thiệu na thông qua mạng xã hội, nhận được nhiều đơn hàng khắp trong và ngoài tỉnh”.

Được biết, HTX NN- DV&TM Tam Đảo được thành lập năm 2017, mục tiêu đưa na dai Bồ Lý trở thành thương hiệu đặc trưng của địa phương. Với quy trình sản xuất an toàn, na đạt chất lượng tốt, năm 2018, sản phẩm của HTX được Cục sở hữu trí tuệ công nhận, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Là một trong những hộ trồng na lớn trên địa bàn xã, năm nay, vườn na rộng gần 1 ha của ông Nguyễn Văn Chung, thôn Ngọc Thụ đạt sản lượng khoảng 8 tấn, tăng 2 tấn so với trung bình mọi năm. Theo tính toán, vụ na năm nay, gia đình ông có thể thu về gần 300 triệu đồng.

Ông Chung cho biết: “Từ khi áp dụng phương pháp tự thụ phấn cho hoa, na trồng sai và đều quả hơn. Năm nay thời tiết thuận lợi, na thu hoạch tăng cả về số lượng và chất lượng.

Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, na được trồng tại vườn đảm bảo chất lượng VSATTP, sử dụng 100% phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thông qua việc tỉa cành, tạo tán cho cây để loại trừ sâu bệnh”.

Theo ông Trần Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bồ Lý: Từ nhiều năm nay, na đã trở thành loại cây chủ lực của xã, diện tích trồng na không ngừng tăng qua các năm. Nhờ chất đất phù hợp, na dai Bồ Lý từ lâu đã trở thành thương hiệu được nhiều nơi biết đến, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn na trên địa bàn xã vẫn chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái. Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ít nhiều ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), na dai Bồ Lý được UBND huyện chọn để xây dựng thương hiệu. Đây vừa là thử thách, cũng là vinh dự của một xã miền núi, quen sống với sản phẩm “tự sản tự tiêu”.

Cùng với nỗ lực của UBND xã trong việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng na, thời gian tới, chính quyền và người dân xã Bồ Lý mong muốn, tỉnh có thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân bón, giống cây... giúp xã sớm hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa na dai Bồ Lý đến được với những thị trường khó tính nhất và xuất khẩu trong tương lai.

Theo Dân Việt