Vụ việc gia đình ông Trần Văn Ái, bà Nguyễn Thị Nhẹ sẽ xem xét giải quyết lại

12/08/2020 - 05:34

 - Cho rằng địa phương tự đào mương làm mất trên 600m2 đất không trả lại hay bồi thường, làm thiệt hại cho vợ chồng ông Trần Văn Ái, (sinh năm 1966, thương binh 3/4) và bà Nguyễn Thị Nhẹ (ngụ ấp Bình Thành, xã Phú Bình, Phú Tân). Đương sự đã nhiều lần khiếu nại đến địa phương và Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp xem xét giải quyết, nhưng vụ việc 10 năm qua vẫn chưa ngã ngũ.

Vợ chồng ông Trần Văn Ái, bà Nguyễn Thị Nhẹ trình bày sự việc

Trình bày vụ việc với Báo An Giang, vợ chồng ông Trần Văn Ái và bà Nguyễn Thị Nhẹ cho biết, khó khăn lắm 2 người mới có được 6.500m2 đất, sang nhượng của ông Võ Ngọc Trọng, bà Lương Thị Vè.

Sản xuất đến tháng 4-1999, gia đình được UBND huyện Phú Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thửa đất số 1844, tờ bản đồ số 1. Canh tác đến tháng 6-2010, UBND xã Hiệp Xương đào mương tiêu, chiếm phần đất đang sử dụng trên 600m2 đất.

Vợ chồng ông Ái khiếu nại đến UBND xã Hiệp Xương không kết quả, làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Tân. Nơi đây phát hiện ông Ái và bà Nhẹ canh tác thửa đất số 1833, còn thửa đất số 1844 do ông Lê Văn Ba sử dụng, xác định cả 2 sử dụng không đúng GCNQSDĐ đã cấp.

“Phát hiện cấp sai đất, lẽ ra nhà nước phải điều chỉnh và cấp lại GCNQSDĐ cho gia đình tôi, nhưng chính quyền không thực hiện mà ra quyết định thu hồi đất. Đã vậy, mãi đến ngày 12-5-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSD cho gia đình tôi diện tích 5.908m2 đất, thiếu 592m2, không xem xét việc chiếm dụng trên 600m2 đất.

Trả lời việc này, UBND xã Hiệp Xương và ngành chức năng huyện Phú Tân luôn nói 600m2 đất đã thực hiện cho mương tiêu sử dụng chung. Thực chất, việc này sử dụng đất và phục vụ cho các hộ dân ở giáp ranh với tôi. Để sản xuất, gia đình tôi tự làm con mương nhỏ trên phần đất của mình, không liên quan đến con mương tiêu chung. Thực tế là vậy nhưng trong các biên bản đều ghi nhận sai lệch, thậm chí trái ngược.

“Năm 2004, gia đình tôi tự lấp mương tiêu và đến năm 2010 lấp thêm lần nữa. Hiện nay, vợ chồng tôi đang sử dụng 8.593m2 đất, trong đó có 2.685m2 đất tại các thửa 381, 382 (nay là thửa 90, tờ bản đồ số 39) đã cấp GCNQSDĐ cho ông Lê Văn Ba và người này sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Ron” - ông Ái cho biết.

Bà Nguyễn Thị Nhẹ bổ sung, trong GCNQSDĐ cấp cho gia đình ghi diện tích 6.500m2 đất nhưng đo thực tế dư ra vài chục mét là chuyện thường thấy "Gia đình tôi 5 người, làm ngày nào ăn ngày đó, chỉ trông chờ vào số đất này.

Bị mất trên 600m2 đất với vợ chồng tôi là rất lớn và kéo dài 10 năm qua. Gia đình tôi yêu cầu UBND xã Hiệp Xương trả lại 600m2 đất. Nếu nhà nước sử dụng đất làm mương tiêu chung thì phải bồi thường theo giá trị thực tế. Đồng thời, yêu cầu hủy GCNQSDĐ ngày 12-5-2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp".

Thông tin về việc này, đại diện UBND xã Hiệp Xương nói vụ việc xảy ra đã lâu, địa phương thực hiện các bước theo quy định của pháp luật, theo chỉ đạo của UBND huyện Phú Tân. Về khiếu nại của ông Ái và bà Nhẹ, địa phương xem xét, giải quyết nhưng sau đó bị đương sự khởi kiện. Cuối năm 2018, TAND tỉnh An Giang đã xem xét giải quyết vụ việc. Sau đó, ông Ái và bà Nhẹ kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. Được biết vụ việc này đang tiếp tục xem xét, giải quyết.

Qua khởi kiện của vợ chồng ông Trần Văn Ái và bà Nguyễn Thị Nhẹ, ngày 5-3-2018, TAND tỉnh An Giang thụ lý vụ việc “Tranh chấp về QSDĐ; bồi thường thiệt hại về tài sản; hủy GCNQSDĐ”. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử ngày 26-12, 2018, tòa án quyết định “không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Trần Văn Ái, bà Nguyễn Thị Nhẹ”.

Sau đó, vợ chồng ông Ái kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 4-3-2019 tòa án thụ lý. Ngày 12-11-2019, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử quyết định hủy án dân sự sơ thẩm số 131/2018/DS-ST ngày 26-12-2018 của TAND tỉnh An Giang; chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại vụ án.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, khi giải quyết vụ án, TAND cấp cao chuyển hồ sơ cho TAND cấp sơ thẩm xem xét giải quyết lại do thấy chưa bảo đảm quy định, có sai sót về việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, đối tượng tham gia tố tụng vụ án... hoặc có xảy ra một số dấu hiệu khác. Qua đó, vụ án trên sẽ được giải quyết lại nhằm tránh vi phạm quy trình tố tụng, bảo đảm phán quyết của cơ quan xét xử. Đây là việc thường thấy.

Bài, ảnh: N.R