Vực dậy thế mạnh ngành hàng thủy sản

27/09/2021 - 05:04

 - “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang sẽ cùng các ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong đó tính toán để vực dậy tiềm năng, thế mạnh của ngành thủy sản, giúp doanh nghiệp (DN), nông dân khôi phục lại các hoạt động sản xuất, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết.

Đối mặt khó khăn

Từ năm 2019 trở về trước, lúa gạo được xác định là một trong 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Với diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 620.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm, ngành hàng này đã mang về cho tỉnh 270 triệu USD. Mặt hàng thủy sản - đứng đầu là ngành hàng cá tra - có sản lượng xuất khẩu đạt 116.000 tấn/năm. Như vậy, nếu làm bài toán so sánh giữa mặt hàng lúa gạo và sản phẩm cá tra, thì lúa gạo trồng với diện tích lớn nhưng kim ngạch thấp, trong khi đó chỉ có 1.400ha mặt nước, ngành hàng thủy sản đã mang về cho tỉnh mỗi năm 286 triệu USD. “Nếu chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì giá trị mang lại cho ngành hàng thủy sản sẽ tăng cao rất nhiều lần so với những con số hiện nay” - ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Tập đoàn Nam Việt làm lễ công bố xuất khẩu lô hàng cá tra nuôi bằng công nghệ cao (Ảnh chụp trước giãn cách xã hội)

Xuất phát từ nhận định này, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã xác định mục tiêu tổng thể những năm tới, toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó cá tra vẫn là sản phẩm chủ lực của quốc gia trong xuất khẩu. Kế đến, các loài thủy sản khác (như: điêu hồng, rô phi, cá lóc, lươn, cá nàng hai, ếch, cá trạch lấu…) là sản phẩm chủ lực trong tiêu thụ thị trường nội địa.

Quy hoạch và tính toán là vậy, song kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho đến nay, tất cả ngành hàng sản xuất trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm, chi phí sản xuất của DN gia tăng nhanh chóng do phải thực hiện nhiều biện pháp chống dịch.

Cụ thể, ở trong nước, DN chế biến cá tra phải thực hiện “3 tại chỗ”, từ đó gia tăng chi phí sản xuất đáng kể. Bình thường, trong 1 ca sản xuất, công ty chỉ lo cơm cho công nhân 1 buổi trưa, hiện nay khi thực hiện “3 tại chỗ” thì lo cả 3 buổi. Mặt khác, công nhân sản xuất “3 tại chỗ” chỉ duy trì từ 30-40% so với trước đây, từ đó năng suất làm việc không đạt yêu cầu đặt ra.

Còn ở bên ngoài, do các nước nhập khẩu nhiều sản phẩm cá tra, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) tăng cường kiểm soát dịch COVID-19, từ đó tiến độ thông quan hàng hóa diễn ra chậm chạp, thị trường thiếu container rỗng, giá container theo đó tăng gấp 10 lần so với trước đây. Thời điểm năm 2019 trở về trước, 1 container loại 40 feet đi từ các cảng của TP. Hồ Chí Minh đến cảng Rotterdam (Hà Lan) có giá 1.500USD/container, nay tăng lên 15.000USD/container. Vấn đề còn nằm ở chỗ, các DN rất khó thuê được container để vận chuyển hàng giao cho nhà nhập khẩu.

Cùng nhau tháo gỡ

Để có giải pháp cụ thể nhằm vực dậy tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng thủy sản tỉnh nhà, mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế, tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi sản xuất của ngành hàng cá tra, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và phải “chuyển mình” để sống chung lâu dài với dịch bệnh. “Đối với ngành hàng cá tra, Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp vẫn tiếp tục thực hiện. Dự kiến đầu năm 2022, con giống từ chương trình này sẽ đưa ra cộng đồng để DN và nông dân có được con giống sạch bệnh, phát triển nuôi đạt yêu cầu đặt ra” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng chia sẻ.

Ngành hàng thủy sản sắp tới sẽ phục hồi theo 2 hướng, vừa xuất khẩu, vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Ngoài chương trình sản xuất con giống theo tiêu chuẩn, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tận dụng công nghệ để thay đổi cơ bản cách thức vận hành vùng nuôi cá xuất khẩu, nuôi cá tiêu thụ nội địa, thay đổi mô hình quản lý, nuôi trồng nhằm tạo ra giá trị mới cho ngành hàng còn nhiều tiềm năng này. Vận động DN nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mô hình kinh doanh nhằm tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng trải nghiệm. “Ngành thủy sản sắp tới sẽ phục hồi theo 2 hướng, vừa xuất khẩu, vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Muốn vậy, sẽ tiếp tục đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất với hàm lượng khoa học cao để tạo ra sản phẩm chất lượng hơn, có giá thành tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh. Khuyến khích nông dân trong tỉnh đa dạng hóa vật nuôi. Không chỉ có nuôi cá tra xuất khẩu mà nuôi thêm các loại cá khác, như: cá rô phi, điêu hồng, cá lóc, cá sặc bổi… để tiêu thụ thị trường nội địa” - ông Trần Anh Dũng thông tin thêm.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xuất khẩu sản phẩm cá tra được nuôi bằng công nghệ cao sang các quốc gia phát triển (như: Thái Lan, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho DN và đời sống của công nhân. “Tiềm năng, thế mạnh của ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay còn rất lớn, do vậy Tập đoàn Nam Việt sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh tập trung khai thác thế mạnh này, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Cũng theo ông Tới, Nam Việt tự hào là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra. Cách đây gần 1 năm (ngày 30-10-2020), Tập đoàn Nam Việt đã xuất lô hàng cá tra đầu tiên nuôi bằng công nghệ cao sang thị trường Thái Lan và các quốc gia phát triển. Sản phẩm nhận được sự khen ngợi của các nhà nhập khẩu, từ đây mở ra cơ hội lớn để góp phần phục hồi ngành hàng thủy sản và phát triển sau dịch bệnh.

Từ việc xác định lại tiềm năng, thế mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích nông dân nhanh chóng chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm và quy mô sản xuất… Chuyển từ bán “cái mình có sang bán cái thị trường cần”, sản xuất theo tín hiệu của thị trường và tuân thủ quy hoạch của ngành chuyên môn.

Bài, ảnh: MINH HIỂN