Vào tháng 7, 8 (âm lịch), một số nông dân đã tất bật xuống giống chuẩn bị cho thị trường hoa Tết. Ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ khóm Đông Thịnh 9, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa bán Tết. “Năm nào cũng vậy, tôi trồng một số loại hoa, như: Hướng dương, thọ, cúc tím, cúc pha lê… Riêng với cúc pha lê, do thời gian sinh trưởng dài ngày, nên tôi xuống giống từ cuối tháng 8 (âm lịch), các loại hoa còn lại xuống giống sau khoảng 1-2 tháng” - ông Phúc thông tin.
Giống hoa được ông Phúc đặt mua với giá 7.000 đồng/cây. Ông bỏ ra chi phí ban đầu cho cây giống, chậu, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… hơn 10 triệu đồng. Chưa kể quá trình chăm sóc, nếu có sâu bệnh sẽ phát sinh thêm chi phí. Sau khi trồng, phải chiếu đèn mỗi đêm từ 4-6 giờ cho đến trước thu hoạch 1 tháng 20 ngày ngưng chiếu đèn. Lúc này, cây đã đủ chiều cao, hình thành nụ và cho hoa to, đẹp. Ngoài ra, thời tiết mưa bão ảnh hưởng quá trình phát triển của hoa, bông dễ bị bệnh, phải can thiệp bằng thuốc.
Xuống giống được khoảng 1 tuần, người trồng hoa bấm tỉa ngọn và cành, nhánh không cần thiết, tập trung dinh dưỡng để phát triển cành. Trong quá trình sinh trưởng, thực hiện 2-3 lần bấm ngọn để tạo nhiều nhánh nhỏ. Khi cây đã cho nụ, việc bấm nụ cần làm thường xuyên, tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính. Khoảng 3-4 ngày là bơm thuốc 1 lần. Cây trồng hơn 4 tháng mới thu hoạch, khá cực công. Người trồng phải thường xuyên chăm sóc, làm cỏ, điều tiết nước, độ ẩm, bón phân định kỳ, ánh sáng hợp lý thì mới mong có được vụ hoa đẹp, đúng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Thương lái năm nay đặt mua trước nhưng tôi không hứa, do một mình tôi chăm sóc, sợ không đáp ứng đủ số lượng, nên hẹn giao một phần, còn lại để bán lẻ. Năm rồi, tuy dịch bệnh nhưng tôi bán đến 28 Tết là hết” - ông Phúc chia sẻ. Mỗi năm, ông trồng khoảng 1.500 chậu cúc cỡ vừa để bán dịp Tết. Trồng nhờ trên khoảnh đất trống của hàng xóm, tự tay chăm sóc, không thuê nhân công nên giảm chi phí. Sau 4-5 tháng cực công chăm sóc, chưa tính đến rủi ro hoa chưa đạt, sâu bệnh, hao hụt… mỗi chậu cúc mang về lợi nhuận khoảng 30.000 đồng.
Thời điểm tháng 8, 9, tại vườn hoa của chị Võ Thị Tiền (ấp An Thạnh, xã Hòa An, huyện Chợ Mới), nông dân tất bật dọn đất xuống giống hoa chuẩn bị cho thị trường Tết. “Tôi thuê 2.000m2 trồng hoa bán quanh năm, chủ yếu là cúc Tiger. Tôi trồng bán vào dịp lễ từ 1.000-2.000 cây giống, dịp Tết 4.000-5.000 cây giống. Trồng xen kẽ cúc Tiger là các loại hoa khác, như: Cúc tím, vạn thọ… cứ luống này xuống giống, thì luống kia thu hoạch, luân phiên chăm sóc.
Chi phí đầu tư mỗi đợt vài chục triệu đồng. Vừa xuống giống phải vô phân, thuốc 3 lần, mỗi tuần 1 lần. Quá trình chăm sóc, cực nhất là công đoạn canh hoa, đội nắng dầm mưa, giông gió, sấm chớp vẫn mang theo cây dù ngồi lặt từng chèo (nụ nhỏ xung quanh nụ chính) để hoa ra đúng hạn giao khách” - chị Tiền chia sẻ.
Những cây hoa đạt, thương lái sẽ thu mua hết, còn hoa nào không đạt sẽ bán lẻ. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, như: Tiền thuê đất, cây giống, nhân công dọn đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lợi nhuận còn khoảng 3.000-4.000 đồng/cây. Trồng hoa có khi xuống giống 1.000 cây, mà chỉ có khoảng 600-700 cây đạt yêu cầu, phần còn lại là sâu bệnh, hao hụt... “Đợt dịch vừa rồi, vườn hoa nhà tôi không bán được gì, thua lỗ phải bỏ hết. Tuy nhiên, dù lời hay lỗ tôi vẫn bám trụ với nghề, không chỉ vì mưu sinh mà còn vì yêu nghề” - chị Tiền bộc bạch.
Thế mới thấy, đằng sau những chậu cúc nở vàng rực rỡ, là biết bao nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Có lẽ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của người trồng hoa là thấy những bông hoa khoe sắc, tô điểm thêm sắc màu vui tươi cho những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Và người trồng hoa sẽ vui hơn nếu vụ hoa Tết “trúng mùa, được giá”, để có một cái Tết sung túc.
NGUYỄN XÊ