Vùng quê An Hòa nhiều đổi thay

03/06/2022 - 06:23

 - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Với sự nỗ lực vượt khó cùng cách làm sáng tạo, diện mạo nông thôn địa phương chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hòa Nguyễn Hoàng Giang cho biết, được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, xã An Hòa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trở thành xã NTM thứ 5 của huyện Châu Thành vào cuối năm 2019. Kết cấu hạ tầng, cầu, đường giao thông nông thôn được nâng chất, đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương cũng như khu vực. Qua đó, bức tranh KTXH của địa phương không ngừng phát triển, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển toàn diện mọi mặt.

“Ngay sau khi đạt chuẩn xã NTM, An Hòa chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Đảng ủy, UBND xã thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM. Bên cạnh đó, phân công cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm từng tiêu chí, cán bộ, đảng viên đảm nhận từng đầu công việc cụ thể, dưới sự giám sát của nhân dân”- ông Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Thời gian qua, xã An Hòa tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Nguyễn Nhựt Thảo cho biết: “Địa phương luôn tạo điều kiện và hỗ trợ nông dân khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế”.

Nhiều hộ nông dân thoát nghèo và khá lên từ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với hàng loạt mô hình sản xuất hiệu quả, như: Trồng cây ăn trái, rau an toàn, nấm bào ngư, nuôi dê, nuôi lươn… Tiêu biểu là gia đình anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú). Sau khi tham quan thực tế và được chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi dê giống và dê thịt.
 

Theo anh Ngoan, dê nặng từ 35-42kg/con có thể xuất bán dê thịt, giá từ 120.000-130.000 đồng/kg, còn dê giống có giá từ 3-4 triệu đồng/con. Trang trại rộng 200m2, anh nuôi gần 200 con dê, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. “Để đàn dê luôn khỏe mạnh và phát triển tốt, người chăn nuôi cần chú ý kiểm tra hàng ngày để nhận biết tình trạng sức khỏe đàn dê, chích ngừa đầy đủ theo quy định, bổ sung thêm củ, quả, đảm bảo lượng thức ăn đầy đủ để dê khỏe mạnh, phát triển tốt” - anh Ngoan chia sẻ.

Khi kinh tế ổn định, đời sống được cải thiện, người dân trong xã tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Bên cạnh thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, xã An Hòa còn quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hoạt động sửa chữa, cất nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết; tặng quà, cứu trợ người nghèo, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo; xây dựng cầu, đường nông thôn; cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo… luôn nhận được sự quan tâm đồng thuận của nhân dân. Anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp An Hòa) cho biết: “Bà con trong xã rất vui mừng khi diện mạo nông thôn có sự đổi thay rõ rệt, nhất là về hạ tầng giao thông. Giờ đây, cầu được xây dựng kiên cố, đường sá thông thoáng nên người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển nông sản, hàng hóa cũng thuận lợi hơn trước”.

Ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: “Phát huy những kết quả đạt được, xã tập trung thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển KTXH. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, duy trì, nâng chất tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong thời gian tới. Trong đó, tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huy động sức dân tham gia hoạt động an sinh xã hội, chăm lo người nghèo; quan tâm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…”.

TRUNG HIẾU