Vườn bưởi da xanh giữa đồng lúa

15/09/2020 - 04:57

 - Đó là “câu chuyện lạ” mà vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Lê Thị Hạnh viết lên trên vùng chuyên canh lúa xã Vọng Thê (Thoại Sơn, An Giang). Giờ đây, vườn bưởi rộng 53 công đất (5,3ha) đang cho trái trĩu cành. Sản phẩm bưởi da xanh của hộ sản xuất bưởi da xanh Lê Thị Hạnh vừa được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020).

Khởi nghiệp tuổi… “U.70”

Ở “vựa lúa” Thoại Sơn, bà Lê Thị Hạnh được biết đến là một trong những “nữ tướng mở đất” xứ Ba Thê, còn chồng bà - ông Nguyễn Quốc Hùng là nông dân giỏi có tiếng về sản xuất lúa giống. Gần trọn đời người gắn bó với ruộng đồng, vợ chồng bà Hạnh nếm đủ những thăng trầm của nghề trồng lúa. “Lúa thì khi trúng, khi thất, năm được giá, năm rớt giá mà rớt giá thì thường xuyên hơn. Nhiều vụ gần thu hoạch lại gặp mưa, lúa sập, vừa mất năng suất, vừa bị ép giá do lúa xấu” - bà Hạnh bộc bạch.

Cách nay hơn 20 năm, khi ông Nguyễn Quốc Hùng đầu tư trại sản xuất lúa giống cặp tuyến kênh Vọng Thê 2 (ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê), bà Hạnh cũng bắt đầu trồng khoảng trăm gốc bưởi da xanh trong khuôn viên trang trại. Lúc này, gia đình bà kết hợp làm chuồng nuôi bò để tăng thêm thu nhập. “Tôi thử ủ phân bò 1 năm rồi bón vô gốc bưởi da xanh. Với những cây bưởi da xanh đang còi cọc, khoảng 4 tháng sau khi bón phân bò lại phát triển tươi tốt. Người ta nói bưởi da xanh ghép chỉ ăn được khoảng 10 năm nhưng vườn bưởi da xanh của tôi đã hơn 20 năm nay vẫn cho trái bình thường” - bà Hạnh chia sẻ.

Vợ chồng ông Hùng, bà Hạnh bên số bưởi da xanh vừa thu hoạch

Trước những khó khăn của nghề trồng lúa cũng như thấy được hiệu quả của phân bò ủ, bà Hạnh quyết định thử chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm sạch cung ứng thị trường. Vậy là vợ chồng bà bỏ số vốn khoảng 6 tỷ đồng để thuê máy múc đất ruộng lên liếp vườn, cải tạo đất bằng vôi, phân lân, thuê lắp đặt đường ống nước tưới phun tự động…

Cải tạo vườn xong, bà Hạnh liên hệ Viện Cây ăn quả Miền Nam đặt mua 3.000 cây giống bưởi da xanh truy xuất nguồn gốc để trồng trên 53 công đất. Mùa mưa năm 2016, những hàng bưởi da xanh đầu tiên mọc lên giữa vùng đất lúa Vọng Thê. Vợ chồng bà Hạnh chính thức “khởi nghiệp” nghề trồng bưởi khi đã bước qua tuổi lục tuần…

Gắn bó người lao động

Với cơ ngơi hàng trăm công đất ruộng ở “vựa lúa” Thoại Sơn, nhà cửa khang trang ngay trung tâm thị trấn Óc Eo, 1 trong 2 người con đã định cư ở Úc (người con còn lại chuẩn bị du học), không ít người cho rằng, vợ chồng bà Hạnh nên nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, không cần phải vất vả với ruộng đồng, vườn tược.

“Hồi trước, khi mở đất canh tác ở vùng Ba Thê, có khoảng 10 hộ gia đình nghèo khổ về đây tạm trú làm thuê. Đây là những gia đình gắn bó với chúng tôi mấy chục năm nay. Sở dĩ tôi lên vườn bưởi da xanh 53 công nhưng vẫn duy trì sản xuất 270 công lúa một phần là để những gia đình này có việc làm xen kẽ quanh năm, duy trì thu nhập cho họ” - bà Hạnh kể.

Từ những ngôi nhà lá đơn sơ, dột nát, vợ chồng bà Hạnh đã hỗ trợ vật tư để dựng lên 10 căn nhà tường vững chãi để họ yên tâm lạc nghiệp. Nếu như những thế hệ trước của các gia đình này không biết chữ, không giấy tờ tùy thân thì các thế hệ con em đã được tạo điều kiện học hành.

Hàng năm, vợ chồng bà Hạnh đổ cát, đá gia cố con đường từ chân cầu Vọng Thê 2 vào trang trại để người dân ở “làng nông dân thu nhỏ” đi lại dễ dàng hơn. Hiện nay, khoảng 20 lao động làm các công việc chăm sóc vườn, thu hoạch bưởi, rửa bưởi, dán tem nhãn cũng như canh tác lúa cho vợ chồng bà Hạnh đều là những người đã gắn bó lâu dài như đại gia đình.

Bà Hạnh cho biết, cây bưởi da xanh phát triển khá tốt trên vùng đất mới. Để cho ra sản phẩm sạch, bà tận dụng rơm từ 270 công ruộng (27ha) để ủ, kết hợp phân bò ủ bón vào cây, đồng thời sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. “Với 1 cây bưởi, chúng tôi bón 1 bao phân bò và khoảng 40kg rơm ủ mỗi năm. Chúng tôi cũng đang thử kỹ thuật bao trái để hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh gây hại” - bà Hạnh chia sẻ.

Năm 2019, ở những đợt trái đầu tiên, bà Hạnh thu hoạch được khoảng 3 tấn bưởi da xanh. Tết Nguyên đán vừa qua, bà bán được 10 tấn trái. “Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi thu hoạch được khoảng 50 tấn bưởi. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, không xuất khẩu được nên chúng tôi cho cây ra trái chuyền, thu hoạch từng đợt nhỏ khoảng vài tấn để tiêu thụ nội địa. Nhờ Sở Công thương An Giang kết nối, sản phẩm bưởi da xanh của trang trại đã tiêu thụ được trong siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn An Giang và Kiên Giang. Ngoài ra, trang trại còn bán lẻ cho người dân, bỏ mối cho bạn hàng chợ” - bà Hạnh thông tin.

Cùng với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (được cấp mã tem truy xuất nguồn gốc), sản phẩm bưởi da xanh của hộ sản xuất bưởi da xanh Lê Thị Hạnh mới đây còn được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang thống nhất đánh giá đạt OCOP cấp tỉnh. Đây được xem là cơ hội để đôi vợ chồng “khởi nghiệp” ở tuổi “U.70” này quảng bá sản phẩm xa hơn…

Mong muốn của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Lê Thị Hạnh là được Nhà nước đầu tư con đường từ chân cầu Vọng Thê 2 (Tỉnh lộ 943) vào trang trại để xe tải lớn lưu thông được. Khi đó, trang trại sẽ mở rộng chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi da xanh trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, đẩy mạnh phát triển loại cây trồng có nhiều triển vọng này.

NGÔ CHUẨN