WEF đề cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đa phương

15/01/2024 - 05:07

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 54 ở Davos, Thụy Sĩ.

Toàn cảnh Trung tâm Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Davos - nơi diễn ra cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). (Ảnh: Reuters)

Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 54) ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) trong các ngày 16-18/1, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này, cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, tiếp tục truyền thống hơn 4 thập kỷ qua kể từ năm 1971, tại Davos - một thành phố trên dãy Alps của Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay có sự quy tụ của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, các công ty đa quốc gia và giới học giả, với tinh thần xuyên suốt cởi mở và hợp tác.

Hội nghị tiếp tục phát huy vai trò của WEF là kênh quan trọng thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường đối thoại và nâng cao nhận thức về các vấn đề và thách thức toàn cầu, đồng thời cũng nhằm duy trì vị trí tiên phong của WEF trong việc thu hút các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận về các vấn đề lớn và giải pháp tiềm năng, thúc đẩy hợp tác định hình các chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu và khu vực.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh điểm đặc biệt năm nay thể hiện rõ ở chủ đề hội nghị là “Xây dựng lại niềm tin” nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình thế giới có nhiều yếu tố biến động, sự gia tăng phân mảnh, phân cực, đối đầu giữa các cường quốc, xung đột quân sự tại các khu vực, cùng với các thách thức cấp bách toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vì lợi ích chung…

Để khôi phục và thúc đẩy các hoạt động hợp tác tập thể ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu hiện nay, Hội nghị xác định yêu cầu cấp thiết là phải củng cố các nguyên tắc cơ bản xây dựng niềm tin giữa các nhà lãnh đạo, bao gồm tính minh bạch, nhất quán và trách nhiệm quản lý.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế, chương trình hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nội dung giải pháp chính gồm Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp cho kỷ nguyên mới, Chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng, Trí tuệ nhân tạo là động lực cho nền kinh tế và xã hội và An ninh và hợp tác trong thế giới bị chia cắt.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận của hội nghị năm nay, bên cạnh các chủ đề về biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu.

Với chủ đề chính cũng như những nội dung giải pháp sẽ được thảo luận, Hội nghị nhằm tìm cách khôi phục những cuộc đối thoại cởi mở, mang tính xây dựng giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn trên thế giới.

Theo Đại sứ, hội nghị này cũng là cơ hội để các bên cùng nhìn nhận những thách thức chính mà thế giới phải đối mặt, cũng như những xu hướng chính trong tương lai, đồng thời xác định cách thức phục hồi kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo công nghệ là động lực của nền kinh tế và xã hội có thể được tận dụng hiệu quả thông qua thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa khu vực công và khu vực tư nhân, vì lợi ích của tất cả mọi người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc), chiều 26/6/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết nhận lời mời của nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Giáo sư Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị, bao gồm phiên Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam;" phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu,” và phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự phiên làm việc của các nhà lãnh đạo về "Khôi phục niềm tin vào hệ thống toàn cầu" với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của chính phủ phát biểu tại một số cuộc thảo luận như tọa đàm thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, tọa đàm về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế với sự tham gia của các tập đoàn tài chính hàng đầu Thụy Sĩ.

Các chủ đề này đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị, nhận được nhiều sự quan tâm của các nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời cũng thuộc những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các buổi tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế để trao đổi sâu thêm về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, chia sẻ về chính sách và kinh nghiệm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác với WEF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, sẽ có cuộc hội kiến và đồng chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với WEF về phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi Xanh và Biên bản Thỏa thuận đối tác thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và WEF.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh những hoạt động này cho thấy Việt Nam và WEF luôn coi trọng quan hệ đối tác giữa hai bên. Trong đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò của WEF đối với thế giới và đối với Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên.

Phía WEF luôn đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đa phương và tham gia cùng cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 3/4/2023. (Ảnh: Nguyễn Tuấn/TTXVN)

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF Davos 2024 là cơ hội để lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trực tiếp truyền tải tới các lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia về ý tưởng, cam kết mạnh mẽ và giải pháp của Việt Nam về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững và hội nhập quốc tế của mình, trong đó bao gồm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh với chương trình tham dự, trao đổi tiếp xúc song phương cấp cao tại hội nghị như nêu trên, đây cũng là dịp quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò là một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu và nỗ lực định hướng tương lai thông qua việc đưa ra ý tưởng, tư duy hoạch định và triển khai chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trong giai đoạn then chốt hiện nay, qua đó góp phần vào thành công của hội nghị.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại WEF Davos 2024 cũng khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với các thành tựu đã đạt được, môi trường kinh doanh và đầu tư cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến được lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu, các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong phát triển kinh doanh, hợp tác quốc tế.

Theo TTXVN