WHO cảnh báo làn sóng mới của dịch COVID-19 lan từ Nam Á

07/04/2023 - 19:30

Trong bản đồ của WHO phân chia mức độ dịch COVID-19 theo màu, các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran, Saudi Arabia hiển thị màu đỏ - mức cảnh báo cao nhất.


Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới công bố ngày 7/4 cho thấy đợt dịch mới tập trung tại Nam Á có xu hướng lan nhanh sang phía Đông Nam Á và Tây Á.

Theo báo cáo, trong 28 ngày qua có gần 3,3 triệu ca mắc mới được báo cáo. Dù đây là báo cáo chưa đầy đủ do số lượng xét nghiệm giảm, nhưng sự thay đổi về tỷ lệ và số ca tử vong vẫn thể hiện tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Trong 28 ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 23.849 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới và tử vong lần lượt giảm 28% và 30% so với giai đoạn 28 ngày trước.

Trong bản đồ của WHO phân chia mức độ dịch theo màu, các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran, Saudi Arabia hiển thị màu đỏ - mức cảnh báo cao nhất, trong khi Philippines, Timor-Lester, Myanmar, Bhutan hiển thị màu cam.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với 34.785 ca, tăng 680%, Nepal có thêm 272 ca, tăng 533% và Maldives 72 ca, tăng 324%.

Hai khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải thể hiện số ca mắc mới lần lượt tăng 289% và 147%, số ca tử vong tăng lần lượt 36% và 118%.

Việt Nam, Lào, Campuchia vẫn đang hiển thị màu xanh lục và xanh dương, thể hiện xu hướng giảm.

Trên bản đồ tỷ lệ tử vong do COVID-19, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Bangladesh... cũng hiển thị màu đỏ.

Theo báo cáo của WHO, châu Âu tiếp tục đứng đầu trong 6 khu vực dịch tễ, với hơn 1,38 triệu ca mắc mới và thêm 10.417 ca tử vong, giảm lần lượt 13% và 5%. Mức giảm này chủ yếu do số ca mắc mới tại một số quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thời gian qua như Nga và Đức đã giảm.

Số ca mắc mới tại Nga giảm 9% còn 313.998 ca, trong khi số ca tử vong 1.014 ca xấp xỉ giai đoạn trước. Đức giảm mạnh 64% số ca mắc mới còn 139.261 ca, giảm 39% số ca tử vong còn 1.090 ca. Anh không ghi nhận số ca mắc mới nhiều, nhưng có số tử vong nhiều nhất khu vực là 2.678 ca.

Trong khi đó, Pháp nằm trong danh sách các nước có số ca mắc mới cao nhất với 193.359 ca, tăng tới 98%.

Có 22/61 quốc gia châu Âu ghi nhận mức tăng trên 20% trong giai đoạn này, khiến màu cam-đỏ (tăng và tăng mạnh) và xanh lục-xanh (giảm và giảm mạnh) lẫn lộn ở khu vực châu Âu trong bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỷ lệ ca mắc mới.

Châu Mỹ đứng thứ hai thế giới với gần 1,05 triệu ca mắc mới (giảm 29%) và 10.152 ca tử vong mới (giảm 34%), trong đó Mỹ vẫn chiếm đa số với 626.532 ca mắc mới và 7.458 ca tử vong mới.

Khu vực Tây Thái Bình Dương đứng thứ 3 với 736.177 ca mắc mới và 2.494 ca tử vong mới, giảm lần lượt 48% và 65%, chủ yếu do tình hình dịch bệnh tại 3 điểm nóng về dịch bệnh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc giảm.

Châu Phi ghi nhận ít ca mắc mới, nhưng xu hướng tăng mạnh thể hiện ở một số nước Bắc Phi./

Theo NGUYỄN HẰNG (TTXVN/Vietnam+)