UBND huyện Tri Tôn tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh An Giang công nhận xã Lương An Trà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng trao quyết định của UBND tỉnh công nhận Lương An Trà đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” năm 2023
Trao Bằng khen của UBND tỉnh An Giang, Giấy khen của UBND huyện Tri Tôn cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích đóng góp trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Lương An Trà
Xã Lương An Trà được UBND tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019. Qua Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Lương An Trà đã huy động nguồn vốn trên 36,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình trọng điểm.
Trong đó, ngân sách Trung ương trên 13 tỷ đồng, ngân sách tỉnh An Giang trên 9,5 tỷ đồng, ngân sách huyện Tri Tôn khoảng 5,7 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp, tín dụng và Nhân dân đóng góp. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 68,187 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,36%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 75,09%; số người có thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 96,89%…
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm biểu dương sự nỗ lực của địa phương để đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”. Đồng thời yêu cầu Đảng bộ, chính quyền xã Lương An Trà thường xuyên rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.
Trong đó, tăng cường sự quan tâm đối với các tiêu chí dễ biến động và thiếu bền vững, như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, môi trường, an ninh trật tự xã hội, cải cách hành chính…, để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao mức sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Cùng với đó, quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống và phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với tiềm năng của địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phát huy thành quả từ xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để tất cả người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động toàn dân tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
ĐỨC TOÀN