Dù mới 40 tuổi nhưng anh Trần Hữu Lâm - ông chủ của HTX cá giống Hiệu Linh (xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực nuôi cá.
Đến nay, anh Trần Hữu Lâm (xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã có 20 năm trong nghề chăn nuôi, đặc biệt là nuôi cá giống.
Trước đây, anh Lâm chủ yếu chăn nuôi lợn và nuôi cá lấy thịt. Sau khi thả cá, phải mất khoảng 6 tháng mới có thể thu hoạch, tốn nhiều công chăm sóc mà giá bán ra chỉ lời gấp 2.
Thêm ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, anh Lâm nhận thấy nếu tiếp tục đầu tư vào 2 mô hình này, hiệu quả kinh tế không cao, xoay vòng vốn chậm mà lại tốn nhân công chăm sóc.
Do vậy, anh vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng, cộng thêm vốn tích lũy và quyết định "chơi lớn", chuyển sang nuôi cá giống đắt tiền, trong đó có cá chép Séc, cá KOI cảnh,..
Theo anh Lâm, nguồn cá giống được anh lấy từ trang trại cá giống lớn nhất miền Bắc ở tỉnh Hải Dương với giá trung bình khoảng 200 đồng/con.
Sau đó, anh Lâm chỉ cần chăm sóc cá từ 25 - 60 ngày (tùy mùa) là có thể "xuất chuồng" mà lại đem về lợi nhuận cao hơn nhiều.
Thức ăn cho cá giống rất đơn giản, chủ yếu là thức ăn đóng gói, cộng với chút bột ngô. Tuy nhiên, thời gian cho cá giống ăn cũng là yếu tố rất quan trọng.
Thông thường, anh Lâm cho cá ăn vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 3 - 4 giờ chiều. Khi đó, nhiều ánh sáng chiếu xuống ao làm tăng lượng oxy trong nước, cá sẽ không bị "nổi đầu" khi ăn.
Anh Lâm nuôi nhiều loại cá giống đắt tiền
"Hiện nay tôi có 20 ao nuôi cá với gần chục loại cá các loại như cá chép Séc, cá rô phi, cá trắm đen, cá Koi lai...
Mỗi ao cá anh thả 15 vạn con cá giống, tiền đầu tư đến nay đã hơn 2 tỷ tiền giống, riêng tiền thức ăn hơn chục đầm cũng tốn khoảng 2 triệu đồng/ngày", anh Lâm chia sẻ.
Trên diện tích 4ha, anh Lâm còn làm 20 bể ương nuôi cá giống
Cũng theo anh Lâm, cái khó nhất trong nuôi cá giống là ao nuôi cá thường phải giữ trong môi trường tĩnh nước.
Mặt ao phải thoáng, bờ ao không bị rò rỉ và cao hơn mực nước từ 0,4 đến 0,5m, có cống cấp nước và tháo nước thuận tiện, gần nguồn nước sạch.
Ao cũng phải có hệ thống cống rãnh chắc chắn để giữ nước và tránh việc cá đi mất. Đặc biệt, phải dùng nước sạch để nuôi cá giống, tốt nhất là dùng nước giếng khoan.
Xác định đây là "cuộc chơi" lâu dài, cộng với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá thịt, nên khi bắt tay vào nuôi cá giống, anh Lâm làm hệ thống ao, bờ đê, cống rãnh rất kỹ càng.
Hệ thống ao của anh Lâm đều thiết kế nằm cạnh nhau, ở giữa sẽ kè các lối đi bao quanh để tiện việc chăm sóc, đánh bắt cá.
"Ngoài ra, người nuôi cá giống cần phải tính toán hệ thống ao nuôi gần đường cái lớn tiện việc trông coi, chăm sóc", anh Lâm cho biết.
Nước nuôi cá giống phải đảm bảo sạch để cá ít bị bệnh
Cũng theo anh Lâm, hiện anh đầu tư diện tích lên đến 4ha gồm với 20 ao cá cùng hàng triệu cá giống các loại. Mỗi năm, anh thu về khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Thấy mô hình nuôi cá của anh Lâm đem lại thu nhập cao, nhiều người quanh vùng cũng học tập, làm theo và có kinh tế khá giả.
Mỗi năm anh thu được hơn 400 triệu đồng từ việc nuôi cá giống
Với lợi thế sẵn có trong tay như diện tích ao đầm lớn, hệ thống máy móc hiện đại, anh Lâm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng thị trường vào miền Nam, đồng thời sẽ đa dạng hóa chủng loại cá giống để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo VIỆT HOÀNG (Dân Việt)