Xây dựng An Giang thành trung tâm đầu mối lúa gạo vùng ĐBSCL

05/12/2022 - 06:52

 - Trong định hướng ngành hàng lúa gạo, An Giang chú trọng xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Trong chuỗi liên kết, có khoảng 50-70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh; ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu. Từ đó, đưa An Giang trở thành hạt nhân, động lực của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL.

Phát huy tiềm năng

An Giang là vùng đất giàu tiềm năng, với vị trí địa lý thuận lợi, được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), là cửa ngõ giao thương quan trọng của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Campuchia và ASEAN.

Cùng với vị trí quan trọng, An Giang còn có lợi thế lớn về nông nghiệp, với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, trong đó đất phù sa chiếm hơn 44%, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, 65% dân số lao động nông thôn có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. An Giang đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước; ngành hàng lúa gạo An Giang đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, với việc duy trì hơn 200.000ha đất trồng lúa, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao. Đồng thời, tăng diện tích liên kết sản xuất, đến năm 2025 diện tích lúa sản xuất được bao tiêu đạt 200.000-250.000ha với doanh nghiệp, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và có sức cạnh tranh cao, thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư và xác định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp An Giang thời gian tới.

Hướng đến số hóa, tự động hóa

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 do TP. Cần Thơ đăng cai tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã giới thiệu đến các đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư về dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang”, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký thực hiện, mong muốn các nhà đầu tư thứ cấp liên kết thực hiện. 

Dự án được triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) với tổng diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Đây là dự án phù hợp với quy hoạch theo Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ xác định, vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, bao gồm các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.

Đây là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng ĐBSCL và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL. Quy hoạch cũng xác định một trong các phương hướng phát triển nông nghiệp của ĐBSCL là: “Trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt”.

Ông Thư cho biết, mục tiêu của dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang” là tối đa hóa doanh thu thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp từ cung ứng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Ở chuỗi liên kết này, có khoảng 50-70% quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh. Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp…), thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, xuất khẩu…).

Với năng lực kết nối TP. Cần Thơ và cảng biển Trần Đề thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang” sẽ đảm nhiệm vai trò liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL. Đặc biệt là xuất khẩu, thông thương hàng hóa 2 chiều giữa các tỉnh ĐBSCL, có hệ thống kho chứa đạt tiêu chuẩn để có thể bảo quản hàng nông sản xuất khẩu trong một thời gian nhất định, thông quan hàng nông sản ĐBSCL thuận tiện qua các cảng quốc tế.

Sự thành công của dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang” sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển ngành hàng lúa gạo ở tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, tiến tới phát triển thương hiệu, đưa gạo Việt Nam vươn ra thế giới

 

 

NGÔ CHUẨN