Xây dựng “Cánh đồng lớn” gắn với hợp tác xã nông nghiệp

18/12/2020 - 04:02

Khi doanh nghiệp (DN) cùng tham gia vào hợp tác xã (HTX) bằng hình thức góp vốn, cung cấp nhân lực điều hành, quyền lợi của DN và nông dân gắn chặt nhau hơn. Khi đó, “Cánh đồng lớn” trở nên bền vững, phát triển ổn định.

Lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời quyết tâm phát triển HTX kiểu mới

Quyết tâm từ nhiều phía

Ngày 16-7-2020, tại Nhà máy sản xuất hạt giống Định Thành (Thoại Sơn, thuộc Tập đoàn Lộc Trời) đã diễn ra sự kiện đặc biệt. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác, tập trung vào 4 lĩnh vực: xây dựng thương hiệu lúa, gạo tỉnh An Giang; phát triển các chuỗi giá trị từ gạo; chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng nguyên liệu gạo, nếp, rau màu và cây ăn quả, cung ứng dịch vụ nông nghiệp; thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, việc Tập đoàn Lộc Trời tham gia liên kết, phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 được xem là yếu tố quan trọng nhất, tạo động lực để thực hiện các nội dung hợp tác còn lại.

Trong chỉ tiêu thành lập mới 200 HTX đến năm 2025 thì chỉ tiêu của năm 2020-2021 là 50 HTX gắn với vùng nguyên liệu “Cánh đồng lớn” 50.000ha. Ông Nguyễn Võ Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp - Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết (tham gia nhân sự, vốn) với 35 HTX tại 8 huyện trên địa bàn An Giang, trong đó có 18 HTX được thành lập mới trong năm 2020 và 9 HTX sản xuất lúa giống. Tập đoàn Lộc Trời đã đưa 4 bộ máy hiện đại (máy cấy, máy kéo, máy cuộn rơm, máy gặt đập liên hợp) về HTX An Bình (Thoại Sơn) và HTX Vĩnh Bình (Châu Thành) để các HTX này triển khai thêm các dịch vụ nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất.

Đối với 9 HTX sản xuất lúa giống, Lộc Trời còn hỗ trợ thêm chi phí khử lẫn, lựa bông, cấy lúa… Ngoài 2.000ha lúa giống, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết được diện tích 15.420ha sản xuất lúa lương thực (liên kết HTX khoảng 8.000ha, còn lại là liên kết với tổ hợp tác). Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ có thêm 2 HTX được thành lập theo hình thức liên kết với Tập đoàn Lộc Trời là HTX Tân Phú (Châu Thành) và HTX Vĩnh Lợi 1 (TX. Tân Châu).

Có thể thấy, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập HTX kiểu mới gắn với DN - khuynh hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Điều này giúp An Giang duy trì và mở rộng được diện tích “Cánh đồng lớn”, trong khi nhiều tỉnh khác “co” lại, nguyên nhân chính là do mối liên kết giữa DN và nông dân chưa bền vững.

Nâng cao giá trị

Dù chủ trương liên kết với DN thành lập HTX bước đầu có kết quả tích cực nhưng việc phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới chưa đều khắp địa bàn tỉnh. Có những địa phương như Tri Tôn, đã thành lập được 10 HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, diện tích liên kết gần 2.000ha, trong đó có 7 HTX thành lập mới trong năm 2020. Tại Thoại Sơn, cũng có 7 HTX liên kết Lộc Trời thành lập năm 2020, nâng tổng số HTX liên kết với DN này lên 12 HTX, diện tích liên kết 3.100ha (lớn nhất so các huyện, thị xã, thành phố khác).

Tại huyện Phú Tân, cũng có 10 HTX liên kết với Lộc Trời với diện tích 2.900ha (có 1 HTX thành lập năm 2020). Tuy nhiên, cũng có những địa phương, số lượng HTX rất khiêm tốn hoặc không có HTX liên kết với DN. Ngoài yếu tố khách quan, việc đẩy nhanh hay chậm trong tiến trình thành lập HTX kiểu mới còn phụ thuộc vào sự quyết tâm và vào cuộc của lãnh đạo các địa phương.

“Có những địa phương, lãnh đạo huyện, xã và các ngành rất quan tâm, chủ động phối hợp cùng DN tuyên truyền, vận động nông dân, lựa chọn nông dân uy tín tham gia HTX cũng như tích cực hỗ trợ thủ tục pháp lý, xây dựng điều lệ, nội dung hoạt động, tiến độ thành lập HTX diễn ra khá nhanh, hiệu quả” - ông Hoàng đánh giá

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, việc hợp tác với An Giang tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, DN quan tâm công tác nhân sự như: tập huấn lực lượng “3 cùng” để tham gia làm sáng lập viên, giám đốc, phó giám đốc HTX; xây dựng đội ngũ cộng tác viên với nguồn là cán bộ trẻ HTX (theo dự án hỗ trợ của tỉnh), cán bộ Trung tâm Khuyến nông An Giang…

Năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời phấn đấu liên kết thêm 60 HTX (trong đó thành lập mới ít nhất 30 HTX), nâng tổng diện tích liên kết lên 50.000ha (gồm HTX và tổ hợp tác). Bên cạnh cây lúa, Lộc Trời sẽ triển khai liên kết thêm trên những loại cây trồng khác như: rau, cây ăn trái.

Đồng thời, thử nghiệm và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” liền canh từ 500ha trở lên gắn cơ giới hóa đồng bộ; thử nghiệm dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp cho cây lúa; cung cấp dịch vụ drone (thiết bị bay không người lái) cho các HTX, tổ hợp tác có nhu cầu (phun thuốc, sạ giống, sạ phân)…

Nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, Tập đoàn Lộc Trời còn triển khai xây dựng thương hiệu gạo, nếp An Giang, đặc sản lúa mùa nổi. Theo đó, cùng với gạo, Lộc Trời dự kiến liên kết “Cánh đồng lớn” 10.000ha nếp ở Phú Tân để xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang (CK92), nâng diện tích lúa mùa nổi lên 100ha gắn xây dựng thương hiệu ở Vĩnh Phước (Tri Tôn) hoặc vùng dự án An Phú…

NGÔ CHUẨN