Một tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam trưng bày tại Triển lãm tranh Việt Nam-Nga “Những giá trị gia đình” (Ảnh minh hoạ)
Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh một trong những đường lối chỉ đạo của Đảng trong nhiệm kỳ XIII là: “Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”. Đây là định hướng chăm lo gia đình Việt Nam cụ thể, thiết thực và đậm tính nhân văn.
Những thay đổi kinh tế, chính trị tất yếu sẽ tác động thay đổi các hệ giá trị. Trong giai đoạn quá độ từ xã hội nông nghiệp truyền thống tiến lên hiện đại, gia đình Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong kinh tế, gia đình đang chuyển từ “đơn vị sản xuất” thành “đơn vị tiêu dùng”. Nhìn chung vào hôn nhân - gia đình Việt Nam hiện nay có thể thấy ngay rằng, các giá trị truyền thống đang dần bị thay thế bởi các giá trị hiện đại.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng bộ. Những gia đình thuộc các khu vực có mức độ hiện đại hóa muộn hơn (như lớn tuổi, có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, là người dân tộc thiểu số, cư trú ở nông thôn, vùng kinh tế-xã hội kém phát triển hơn) có xu hướng ủng hộ, bảo lưu các quan điểm truyền thống trong gia đình hơn so với nhóm những gia đình trẻ, ở thành thị, mang các đặc điểm hiện đại.
Phần lớn các gia đình tiếp tục coi hôn nhân là một giá trị quan trọng. Các giá trị đạo đức như chung thủy, yêu thương, chia sẻ, hiếu thảo vẫn được các gia đình Việt Nam đánh giá cao. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ly hôn tăng đều trong hơn 20 năm qua. Bạo lực gia đình có giảm nhưng còn phức tạp hơn trong nhóm trẻ em, người cao tuổi…
Trong bối cảnh tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu trong xây dựng gia đình, nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, qua đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư tiếp tục khẳng định công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Đó là những định hướng quan trọng cho việc xác định mục tiêu và giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp, hiệu quả để giữ gìn bản sắc, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển ổn định lâu dài đất nước.
Sự chuyển đổi nhanh, phức tạp, đa dạng của các giá trị gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại đặt ra yêu cầu cần thiết xây dựng được hệ giá trị gia đình Việt Nam để định hướng phát triển xã hội, để hệ giá trị gia đình Việt Nam vừa tiếp thu được các giá trị nhân văn, tiến bộ trong hội nhập, vừa giữ được bản sắc dân tộc và những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp. Trong giai đoạn hiện nay còn cần quan tâm những vấn đề xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình, phát triển kinh tế gia đình, quan tâm các nhóm gia đình đặc thù, cải thiện hệ thống an sinh xã hội cho gia đình...
THS NGUYỄN ANH TÚ
Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Nhân dân