Xây dựng nông nghiệp hiện đại ở huyện miền núi

11/05/2023 - 06:59

 - UBND huyện Tri Tôn ban hành Kế hoạch 98/KH-UBND, ngày 5/5/2023, thực hiện Chương trình hành động 17-CT/HU, ngày 9/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện.

Phát triển theo chiều sâu

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện định hướng khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm. Tri Tôn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hài hòa mục tiêu phát triển xã hội và môi trường bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao giá trị và giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường trong nước và xuất khẩu...

Về nông dân, nông thôn, huyện Tri Tôn nỗ lực giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Địa phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); đổi mới cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Tri Tôn xây dựng nông thôn theo phương châm “Nâng cao thu nhập cho người dân được ổn định, tạo ra môi trường tốt nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Tri Tôn quyết tâm xây dựng nông nghiệp phát triển

Từ nay đến năm 2030, huyện Tri Tôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 4%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1,5-2%. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7%, đến năm 2030 còn khoảng 5%. Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8% năm 2025 và 100% năm 2030.

Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện Tri Tôn có từ 6-7 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,3), trong đó có 3 xã NTM nâng cao (chiếm 25%); bình quân mỗi xã đạt 15,2 tiêu chí NTM. Tầm nhìn đến năm 2045, huyện xây dựng được thế hệ nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao; nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài huyện. Trong khi đó, phát triển nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Giải pháp đồng bộ

Kế hoạch 98/KH-UBND của UBND huyện Tri Tôn đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ. Trong đó, huyện tăng cường lãnh, chỉ đạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã. Trong quá trình thực hiện, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Cùng với phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, Tri Tôn đẩy mạnh giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tập trung bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.

 “Huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tri Tôn phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí nhấn mạnh.

Huyện Tri Tôn tập trung cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Bên cạnh đó, khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải, hướng đến phát triển bền vững, thuận thiên.

 

NGÔ CHUẨN