Xây dựng tam nông, hình thành những miền quê đáng sống

26/08/2024 - 06:04

 - Trong thực hiện tam nông, An Giang nỗ lực xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại, trở thành những miền quê đáng sống. Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh vẫn dựa trên nền tảng nông nghiệp, nhưng là nền nông nghiệp xanh, giá trị cao và bền vững.

Cơ hội phát triển

Sở hữu 5 công đất ruộng trên (5.000m2) tại ấp Tô Hạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nông dân Chau Sum cảm nhận được sự thay đổi từng ngày trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Con đường uốn lượn chạy qua mảnh đất của gia đình ông được tráng bê-tông sạch, đẹp, trở thành cung đường cho các chuyến caravan, những đoàn du khách thích khám phá cánh đồng trâm, thưởng ngoạn cảnh đẹp dưới chân Phụng Hoàng Sơn, đồi Tà Pạ...

“Nhờ có nguồn nước từ hồ Soài Chek, vùng ruộng trên dưới chân hồ có thể canh tác lúa, bắp, luân canh với trồng đậu xanh, đậu đỏ, khoai mì... quanh năm, chứ không còn lệ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên như trước đây. Đường sá giờ đổ bê-tông sạch sẽ, thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Nói chung đời sống trong phum, sóc của bà con Khmer giờ được nâng lên và tiến bộ hơn trước rất nhiều” - ông Chau Sum vui vẻ.

Phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới thành những vùng nông thôn hiện đại, văn minh, rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn là một trong những mục tiêu trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” trên địa bàn An Giang.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 5/5/2023 về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 767/KH-UBND, ngày 8/9/2023 thực hiện Chương trình hành động 23-CTr/TU, giao các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án để phát triển tam nông.

Khai thác thế mạnh

An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh tế, thương mại của vùng và khu vực. Tọa lạc ở đầu nguồn sông Cửu Long, với nguồn tài nguyên nước, đất đai màu mỡ, phong phú, An Giang có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, với các ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản, mở rộng vùng chuyên canh cây ăn trái. Thời gian qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ cột của nền kinh tế, nông dân ngày càng phát huy vai trò chủ thể, trong khi công nghiệp hóa, đô thị hóa và dịch vụ ở nông thôn ngày càng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh An Giang, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng, với 6.517 thành viên tham gia, góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tập thể chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Từ đó, giúp nông dân nắm bắt xu thế phát triển, nhạy bén, học hỏi nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Với tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, nông nghiệp được tiếp tục xác định là nền tảng, là bệ đỡ của ngành kinh tế, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều ban, ngành. Tỉnh đang tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cây ăn trái, lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng sau thời kỳ ảnh hưởng của dịch COVID 19, đạt 3,16%. Năm 2023, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,43%, vượt kế hoạch đề ra (3,5%) và đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Năm 2024, đà tăng trưởng vẫn duy trì ở mức cao, ước đạt khoảng 3,62% (kế hoạch từ 3,5 - 3,8%).

Cùng với triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với 10 huyện, thị xã, thành phố, đăng ký diện tích tham gia trả tín chỉ carbon năm 2024 là 49.861ha.

Huy động nhiều nguồn lực

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tỉnh đang thực hiện đầu tư thủy lợi phục vụ hạ tầng phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp; hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng, hệ thống thủy lợi vùng Bảy Núi; đầu tư các hồ chứa và nạo vét kênh mương; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới trong tưới tiết kiệm nước, khai thác và vận hành công trình thủy lợi. Đồng thời, huy động các nguồn lực phát triển đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Ngày 5/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 14/2023/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang (ban hành kèm theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh).

Đây là chính sách quan trọng để An Giang tiếp tục thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) có uy tín, tiềm lực tài chính thực hiện liên kết sản xuất với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nhằm đầu tư, xây dựng, hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Thực tế thời gian qua, nhiều HTX đã liên kết với các tập đoàn, DN thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, như: Lộc Trời, Tân Long, Angimex, Quốc tế Gia, Nông Phát Đạt, Âu Lạc,  Cường Hùng Tiến, Alfa...

Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp HTX Thoại Sơn và trao 123 máy nông nghiệp cho các HTX, tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) xây dựng dự án chuỗi liên kết với HTX, liên hiệp HTX, kết hợp ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp...

Là một tỉnh được quy hoạch trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, An Giang kiến nghị Trung ương cần có chính sách hỗ trợ đặc thù trong đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu nông sản, logistics; có chính sách phát triển HTX kiểu mới và hỗ trợ, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

HOÀNG XUÂN