Xây dựng thương hiệu gạo

13/07/2022 - 07:06

 - Khi xây dựng, khẳng định được thương hiệu, sản phẩm gạo của An Giang không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu. Trong quá trình tham gia xây dựng thương hiệu, nông dân, hợp tác xã (HTX) sẽ tập trung vào chất lượng, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng thu nhập, thay vì cứ chạy theo số lượng nhưng lợi nhuận không cao.

Khẳng định vị thế

Với việc liên tục gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới (sau Ấn Độ). Năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch 3,07 tỷ USD (Ấn Độ xuất khẩu 13 triệu tấn). Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 6,24 triệu tấn, đạt 3,29 tỷ USD, tăng 7,16% về kim ngạch so năm 2020.

Đối với An Giang, lúa gạo là ngành hàng chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, sản lượng gạo chế biến của An Giang đạt gần 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu trên 500.000 tấn (năm 2021, xuất khẩu gạo An Giang đạt 518.000 tấn, tương đương kim ngạch 281 triệu USD).

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng thương hiệu gạo. Tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2015, giống gạo Lộc Trời 1 của Tập đoàn Lộc Trời đã đạt “Tốp 3”. Năm 2018, tại Hội nghị thương mại gạo đại lục lần thứ 5 ở Trung Quốc, giống gạo Lộc Trời 28 (gạo Thiên Vương) của Tập đoàn Lộc Trời đã vượt qua gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan, giành giải nhất trong kỳ thi này.

Trong bối cảnh diện tích trồng lúa và năng suất gần như đã “đội nóc”, vấn đề xây dựng thương hiệu, chất lượng được xem là công cụ đột phá mới nhằm tăng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng lúa gạo của An Giang trong thời gian tới. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến đối tượng thụ hưởng chính là các DN, đơn vị sản xuất - kinh doanh lúa gạo, các HTX và hộ nông dân trồng lúa.

Trong đó, giai đoạn 1 (2022-2025), tỉnh lựa chọn một số DN xuất khẩu gạo điển hình của tỉnh tham gia đề án. Giai đoạn 2 (2026-2030), trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, kết quả vận hành của 4 chương trình (giống, canh tác, chế biến, quảng bá - xúc tiến thương mại), tỉnh sẽ thực hiện mở rộng các DN tham gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, xây dựng thương hiệu là tạo dựng biểu tượng, hình tượng về DN, về sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Sự nhận biết về thương hiệu sản phẩm thể hiện qua sự nhận biết về nhãn hiệu, tên của DN, chỉ dẫn địa lý… cũng như bao bì của sản phẩm. Khi xây dựng được thương hiệu, DN sẽ có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi, đồng thời thể hiện trách nhiệm, cam kết về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng, giúp khách hàng nhận biết và có thái độ tin cậy đối với sản phẩm.

Thông qua thương hiệu, người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn sản phẩm của DN cũng như chấp nhận đầu tư vào DN, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của DN. Đối với DN lúa gạo, việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân, HTX; giúp thay đổi tư duy sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Đến nay, sản phẩm gạo của An Giang đã xuất khẩu sang 68 quốc gia ở tất cả 5 châu lục. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu gạo là rất cần thiết nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đánh thức tiềm năng

Tại An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được xem là DN tiên phong, đầu tàu trong liên kết phát triển vùng nguyên liệu chất lượng với nông dân, HTX và chú trọng hình ảnh hạt gạo. Thương hiệu gạo “Hạt Ngọc Trời” đang dần khẳng định được tên tuổi, nhiều người tiêu dùng xem là sự lựa chọn tốt cho bữa cơm an toàn, chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao.

Tập đoàn Lộc Trời cũng là DN tiên phong về đầu tư nghiên cứu lai tạo giống, nâng cao chất lượng gạo trong xay xát, bảo quản. Các giống do Lộc Trời nghiên cứu và triển khai gieo trồng thành công tại An Giang và vùng ĐBSCL, như: Bắc Đẩu, Tiên Nữ, Thiên Long, Jasmine thuần chủng, Lộc Trời 28, Lộc Trời 18… được xem là các loại giống có ưu thế trong xây dựng thương hiệu.

Sự nỗ lực của một số DN tiên phong là cơ sở để tỉnh đánh giá, hỗ trợ, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo chung của An Giang trong sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý). Điều này phù hợp xu hướng tiêu dùng gạo an toàn, gạo hữu cơ, gạo truy nguyên nguồn gốc, gạo có thương hiệu, gạo có minh bạch hóa các thông tin trên nhãn hiệu bao bì… của Việt Nam và thế giới. Điều này thể hiện qua việc nhiều thị trường, như: Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, kể cả Trung Quốc đều tăng cường kiểm soát các hoạt chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mặt hàng gạo.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, gạo thương hiệu An Giang tiêu thụ cho thị trường nội địa khoảng 5.000 tấn; đến năm 2030, tiêu thụ đạt khoảng 10.000 tấn. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống (chợ, đại lý, cửa hàng), gạo An Giang sẽ tham gia vào tất cả các hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn (Co.opMart, WinMart, Big C, Auchan, Bách Hóa Xanh...); tham gia vào kênh Horeca (cung ứng gạo qua kênh bếp ăn của chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn).

Đối với kinh doanh xuất khẩu, tỉnh tập trung vào các thị trường lớn và thị trường cao cấp, như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines... Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt 45.000-50.000 tấn, chiếm khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt khoảng 100.000 tấn. 

Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, gạo An Giang được nhận diện và được người tiêu dùng yêu thích. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng và phát triển lòng trung thành của khách hàng đối với gạo thương hiệu An Giang; phấn đấu đưa gạo thương hiệu An Giang trở thành thương hiệu gạo quốc gia.

“Ngành hàng xuất khẩu gạo tỉnh An Giang muốn duy trì sự phát triển thì chắc chắn phải canh tác, sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường những sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng hay nói cách khác, gạo cung ứng ra thị trường phải là gạo có thương hiệu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

 

NGÔ CHUẨN