Xây dựng và quảng bá thương hiệu nếp Phú Tân

15/04/2019 - 08:40

 - Sản phẩm nếp là niềm tự hào của người dân Phú Tân nói riêng và của tỉnh nói chung. Cây lúa nếp đã được tỉnh quy hoạch trồng chuyên canh trên vùng cù lao, nhưng nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và nông dân mong sao “danh tiếng” đặc sản trên quê hương mình ngày càng vươn xa vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường, cây lúa nếp đã có mặt trên địa bàn huyện Phú Tân trước năm 1975. Từ sau năm 1990, cùng với chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, cây lúa nếp được chú trọng và từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế, diện tích sản xuất được mở rộng dần. Sau năm 2003, diện tích sản xuất nếp ở Phú Tân đã phát triển trên 50% diện tích gieo trồng và hiện nay là trên 90% với 2 giống chủ yếu là CK92 và CK2003. Tháng 4-2006, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Mỹ Hưng do ông Trần Thanh Dũng làm chủ nhiệm đại diện cho 7 HTX (Thọ Mỹ Hưng, Hưng Tân, Thạnh Phú, Phú An, Phú Thạnh, Chợ Vàm, Hòa Thành) làm chủ thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể nếp Phú Tân và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2009. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm nên tháng 11-2015, ông Trần Thanh Dũng đại diện nộp đơn xin gia hạn lại nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo gia hạn văn bằng đến ngày 7-4-2026.

Đặc sản nếp Phú Tân sẽ có vị thế trên thị trường nông sản sau khi được xây dựng thương hiệu

Năm 2014, UBND tỉnh quy hoạch Phú Tân là vùng chuyên canh nếp theo Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 25-8-2014. Việc hình thành vùng chuyên canh cây nếp xuất phát từ lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp, chất lượng cao và ổn định. Nông dân có thời gian canh tác khá lâu, tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng nếp và rất nhạy bén trong tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, nếp Phú Tân được thương lái mua tiêu thụ khắp nơi trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mặt khác, huyện Phú Tân có hệ thống đê bao khép kín, cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, thu hoạch và phơi sấy. Để đảm bảo chất lượng nếp trong thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, hiện có 176 máy gặt đập liên hợp, 672 lò sấy phục vụ cho toàn huyện. Toàn địa bàn có 19 HTX nông nghiệp, 5 tổ hợp tác, chủ yếu bơm tưới và tiêu úng; 28 doanh nghiệp kinh doanh nếp, trong đó có 18 doanh nghiệp xay xát. Đến năm 2018, huyện Phú Tân có 56.444/62.207ha gieo trồng nếp 3 vụ/năm. Năm qua, địa phương kết hợp với doanh nghiệp triển khai phương thức thu mua sản phẩm nếp theo mô hình "Cánh đồng lớn", tạo điều kiện gắn kết chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn.

Quyết tâm dựa vào nông nghiệp để đột phá về kinh tế, những năm gần đây, huyện Phú Tân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái, rau màu trên nền đất lúa kém hiệu quả, giảm dần diện tích trồng nếp, đảm bảo thu nhập và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong điều kiện đó, diện tích nếp còn lại càng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh để có vị trí trên thị trường. Để quảng bá nhãn hiệu “Nếp Phú Tân”, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp kinh doanh chọn nếp có chất lượng, đóng gói sản phẩm tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh. HTX Phú Thạnh, Tân Mỹ Hưng, Công ty TNHH Hòa An tham gia đóng gói sản phẩm bao 2kg, 5kg, 10kg gắn nhãn hiệu “Nếp Phú Tân” đưa vào hội chợ trong và ngoài tỉnh. Do thiếu nhân lực bán hàng và mỗi lần tham gia hội chợ tốn kém chi phí (không lãi) nên các đơn vị đã ngưng tham gia, 6 HTX còn lại chỉ làm dịch vụ tưới tiêu, không tham gia kinh doanh sản phẩm nếp theo hồ sơ đăng ký.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi, từ tháng 6-2019 đến tháng 6-2021, Sở Công thương sẽ trực tiếp hỗ trợ UBND huyện Phú Tân thực hiện kế hoạch “Phát triển và quảng bá sản phẩm Nếp Phú Tân tỉnh An Giang”. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nếp sẽ đem đến nhiều quyền lợi hưởng thụ cho các bên: Liên hiệp HTX, các HTX, doanh nghiệp kinh doanh, địa phương nhằm có chiến lược và kế hoạch truyền thông để phát triển thương hiệu, đồng thời sử dụng thương hiệu “Nếp Phú Tân” bán giá cao hơn và dễ dàng phân phối hơn. Sau khi xây dựng thương hiệu, sản phẩm nếp sẽ được quảng bá trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội bằng nhiều hình thức phong phú.

Trước mắt, để quảng bá nhãn hiệu tập thể “Nếp Phú Tân”, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường yêu cầu ngành nông nghiệp cập nhật thông tin về thương hiệu "Nếp Phú Tân" gửi về Sở Công thương; chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn tiếp tục hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp có kinh nghiệm kinh doanh chọn nếp có chất lượng, đóng gói sản phẩm tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh.

MỸ HẠNH