Xây dựng văn hóa trong Đảng

20/02/2025 - 07:54

 - Xây dựng văn hóa trong Đảng là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của Đảng. Văn hóa Đảng không chỉ phản ánh giá trị đạo đức, tư tưởng và lý tưởng của Đảng, mà còn góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, tăng cường sức mạnh nội bộ của Đảng.

Từ khi thành lập năm 1930, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa Đảng, coi đây là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Văn hóa Đảng được thể hiện qua các chuẩn mực đạo đức, giá trị lý tưởng cách mạng, đồng thời là nền tảng cho hoạt động tổ chức của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan niệm rằng, văn hóa Đảng không thể tách rời văn hóa dân tộc. Sự kết hợp này giúp Đảng duy trì và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thời đại và phát triển của xã hội.

Văn hóa Đảng không chỉ thể hiện trong phương diện lý luận, mà còn trong thực tiễn lãnh đạo, tổ chức, xây dựng và phát triển đất nước. Điều này thể hiện qua tiêu chí đạo đức cách mạng, lòng trung thành với lý tưởng XHCN, sự gần gũi với Nhân dân và việc tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng văn hóa Đảng có vai trò đặc biệt trong việc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. 

Xây dựng văn hóa trong Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực để Đảng thực sự tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam.

Không chỉ giúp từng cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện bản thân, xây dựng văn hóa trong Đảng còn góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, việc nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên là yếu tố cốt lõi. Gương mẫu không chỉ thể hiện trong công việc, trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn ở đạo đức, lối sống và trong mọi hành động cá nhân. Một đảng viên gương mẫu không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao, mà còn tạo ảnh hưởng tích cực đối với đồng chí, đồng đội và quần chúng Nhân dân. 

Hơn nữa, việc thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống và bản lĩnh chính trị là yêu cầu quan trọng để đảm bảo mỗi đảng viên không bị sa vào cám dỗ, lệch lạc trong công tác và đời sống. Ý thức trách nhiệm, sự trung thực của đảng viên sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc từ Nhân dân đối với Đảng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 Yếu tố quan trọng là sự tiên phong trong mọi hoạt động và phong trào. Mỗi đảng viên phải là tấm gương sáng, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là trong cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đất nước phát triển… Từ đó, việc xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng giúp đảng viên rèn luyện bản thân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt của đời sống xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận quan trọng, kết tinh giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. 

Văn hóa trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng; là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. 

Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng…

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cùng với triển khai văn bản, nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nền tảng để tăng cường hiệu quả chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh với những nguyên lý sâu sắc về đạo đức cách mạng, luôn nhấn mạnh vai trò của việc giữ gìn phẩm chất, bản lĩnh chính trị và nâng cao trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với Nhân dân và đất nước.

Kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Đặc biệt, việc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những phương thức quan trọng để duy trì sức mạnh của Đảng.

Việc này đòi hỏi sự kiên quyết, nhưng cũng cần có giải pháp đồng bộ để xây dựng môi trường chính trị trong sạch, vững mạnh. Chỉ có như vậy, Đảng mới có thể phát huy sức mạnh lãnh đạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Thông qua việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, Đảng không chỉ xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, mà còn tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, từ đó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong kỷ nguyên mới.

 HỮU HUYNH