An Giang có lợi thế lớn về sản xuất lúa
An Giang có lợi thế nông nghiệp lớn
“Nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi tốt, hệ thống kênh mương chằng chịt, lúc nào cũng đầy nước của An Giang mà tôi ước gì ở Úc cũng có được điều kiện tự nhiên tuyệt vời như thế. Tình trạng khô hạn thường xuyên xảy ra tại Úc nên việc canh tác lúa không thuận lợi như ở Việt Nam, đặc biệt là những địa phương đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang” - ông Rob Gordon, Chủ tịch Tập đoàn Sunrice nhận xét.
Với kinh nghiệm 10 năm hợp tác đầu tư SX lúa gạo tại Việt Nam cũng như triển khai vùng nguyên liệu ở nhiều nước khác, nhận xét của Chủ tịch Tập đoàn Sunrice là xác đáng. Nằm ở đầu nguồn ĐBSCL với nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, An Giang đứng nhất, nhì cả nước về sản lượng lương thực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, An Giang có thể SXNN quanh năm, kể cả mùa khô (tháng 12 đến tháng 4) và mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) bởi điều kiện nhiệt độ trung bình 280C (25,50C-33,50C), lượng mưa trung bình hàng năm 1.130mm, nguồn nước ngọt luôn có sẵn. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh đạt 634.000ha (3 vụ), năng suất lúa bình quân 6,24 tấn/ha, sản lượng gần 4 triệu tấn/năm (đứng thứ 2 cả nước, sau Kiên Giang). Riêng đối với lúa Japonica, tổng diện tích gieo trồng hiện đạt 15.000ha (chiếm 2,37% cơ cấu giống), năng suất đạt rất cao (7-8 tấn/ha), tập trung phần lớn ở Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn. Tùy theo nhu cầu của Tập đoàn Sunrice cũng như các doanh nghiệp liên kết khác, việc mở rộng diện tích canh tác lúa Japonica rất dễ dàng.
Cùng với điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước, khí hậu, An Giang còn có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy và đường bộ, khả năng phát triển logistics khá tốt. Hệ thống kênh mương nhỏ trên địa bàn tỉnh cho phép ghe, tàu 50-100 tấn lưu thông, kênh lớn đạt 500 tấn, riêng sông Hậu đạt tải trọng đến 5.000 tấn. Cùng với cảng Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) cho phép tàu 5.000-10.000 tấn cập cảng, doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên địa bàn An Giang có thể chọn cảng Hòn Chông (Kiên Giang, cách Tri Tôn 50km) với khả năng tiếp nhận tàu từ 10.000-30.000 tấn.
Mở rộng hợp tác
Mới đây, trong chuyến làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, ND trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Sunrice Rob Gordon và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về xây dựng chuỗi lúa gạo Japonica bền vững và truy xuất nguồn gốc lúa thông qua các hợp đồng lâu bền và tin cậy với tổ chức ND (HTX, tổ hợp tác). Theo đó, An Giang sẽ quy hoạch vùng SX lúa Japonica ổn định để cung cấp cho nhu cầu xuất khẩu gạo của Tập đoàn Sunrice, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và quy trình kiểm soát chất lượng của tập đoàn, được truy xuất nguồn gốc hoàn toàn.
Theo biên bản ghi nhớ, 2 bên thống nhất thành lập Tổ điều phối để giám sát quá trình hợp tác. Thành phần gồm đại diện UBND tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương cấp huyện, Tập đoàn Sunrice và các đơn vị liên quan. UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định thành lập nhóm quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổ điều phối, các thành viên (trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Tập đoàn Sunrice). Tổ điều phối sẽ hợp tác, làm việc chặt chẽ với tổ chức ND để củng cố tổ chức ND hiện có và xây dựng các tổ chức ND mới với quy mô phù hợp. Tổ chức ND sẽ là đại diện ký hợp đồng với các bên liên quan của Công ty Sunrice Việt Nam và các đối tác khác của Sunrice trong việc cung ứng và kinh doanh vật tư NN đầu vào (bao gồm lúa giống) và lúa tươi sau khi thu hoạch. Dự kiến, Tập đoàn Sunrice sẽ xây dựng hệ thống sấy, nhà máy chế biến gạo, liên kết SX bền vững với tổ hợp tác, HTX theo mô hình “Cánh đồng lớn”.
“Với kinh nghiệm và uy tín của Tập đoàn Sunrice, tôi tin tưởng quá trình hợp tác sẽ thành công.An Giang mong muốn Tập đoàn Sunrice chia sẻ thêm về mô hình NN hiện đại của Úc, mở rộng quy mô hợp tác và giới thiệu thêm nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại An Giang” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đề nghị. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN