Niềm vui ở xã NTM
Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng ở ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) không giấu được niềm vui khi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của quê hương mình sau hơn 10 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Những con đường đất đá lồi lõm ngày nào giờ đã được nâng cấp mở rộng và láng nhựa phẳng phiu. Có được những con đường mơ ước, người dân chung tay tạo cảnh quan môi trường thêm đẹp hơn với việc trồng hoa, cây xanh tạo bóng mát theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
“Phú Vĩnh quê tôi vốn là xã thuần nông, nên đường sá đi lại dễ dàng sẽ giúp cho bà con tăng thêm thu nhập nhờ tiết kiệm được nhiều chi phí trong khâu vận chuyển hàng hoá nông sản. Bản thân tôi cũng thường xuyên vận động cho bà con lối xóm bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi để góp phần cùng địa phương xây dựng NTM ngày càng sạch đẹp hơn”- ông Dũng chia sẻ.
Rất nhiều chiếc cầu được xây dựng bằng hình thức xã hội hoá đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở xứ lụa Tân Châu.
Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh Uông Trung Hưng cho biết, Phú Vĩnh là một trong những xã được đánh giá thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Rác thải sinh hoạt trong dân hoặc ở các làng nghề đều được thu gom, xử lý đúng quy định với tỉ lệ đạt 100%. Điều này, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và giúp cho địa phương giữ vững danh hiệu xã NTM và tiến tới đạt chuẩn xã NTMNC trong năm nay. Đến thời điểm hiện nay, Phú Vĩnh đã đạt 18/19 tiêu chí và 58/59 chỉ tiêu về xây dựng NTM và gần cán đích xã NTMNC. Trong tháng 10 này, Phú Vĩnh hoàn chỉnh tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu còn lại và gửi hồ sơ về thị xã và tỉnh đến phúc tra công nhận.
“Hiện, chúng tôi đã thành lập 4 đoàn phối hợp với Xí nghiệp Môi trường đô thị Tân Châu thực hiện thu gom rác trên các tuyến đường ấp, xây dựng tuyến đường hoa để đảm bảo các tiêu chí, chỉ tiêu về cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tiếp tục vận động người dân dọn dẹp chướng ngại vật có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và tháo dỡ các chuồng, trại chăn nuôi gia súc dọc theo các tuyến kênh đã tồn tại trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, phát triển nhiều mô hình sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương để nâng cao giá trị hàng hoá nông sản và thu nhập cho người dân”- ông Hưng khẳng định.
Vượt khó về đích
Sau hơn 12 năm xây dựng NTM, đến Tân Châu hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về những đổi thay rõ nét về diện mạo nông thôn nhờ các địa phương có những mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với thực tế.
Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết, thực hiện lộ trình xây dựng NTM và NTMNC từ năm 2011 đến nay, Tân Châu đã có 6 xã đạt chuẩn NTM, như: Long An, Phú Vĩnh, Tân An, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa và Châu Phong, trong đó xã Long An đạt chuẩn NTMNC. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2024, sẽ công nhận thêm các xã Lê Chánh, Tân Thạnh, Phú Lộc để Tân Châu hoàn thành lộ trình xây dựng NTM.
“Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Tân Châu gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội đều kém và bình quân thu nhập đầu người ở mức thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, với nhiều cách làm hay và sáng tạo, nên Tân Châu đã đạt được những kết quả như hôm nay. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, ngày công lao động và tài sản để làm đường, xây cầu ở các địa phương”- ông Nê.
Tân Châu vốn dĩ là đô thị sầm uất ở khu vực đầu nguồn sông Tiền với nghề dệt lụa truyền thống.
Cũng theo lãnh đạo UBND TX. Tân Châu, có được kết quả như hiện nay là nhờ sự quan tâm của Ban Thường vụ Thị ủy và sự điều hành của UBND thị xã cùng với nhiều giải pháp phù hợp. Trong đó có giải pháp phối hợp giữa Xí nghiệp Môi trường đô thị Tân Châu với các xã. Cụ thể như các đơn vị tiến hành rà soát lại các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt để kịp thời báo cáo ban chỉ đạo có hướng tháo gỡ. Trong đó, xí nghiệp phối hợp thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp, như: Phân loại các loại rác thải, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Xử lý nước tồn đọng trên các cụm, tuyến dân cư. Đây cũng là cách tuyên truyền để người dân thấy được việc xây dựng NTM không phải làm đạt rồi nghỉ mà làm không có điểm dừng. Từ đó, người dân có ý thức giữ gìn quê hương mình ngày càng xanh, ngày càng sạch đẹp.
Góp sức vì xứ lụa Tân Châu
Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Tân Châu Dương Thế Phương cho biết, hiện đơn vị đã được ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đầu tư, mua sắm mới phương tiện, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất theo yêu cầu của các địa phương. Xí nghiệp cũng thường xuyên bàn bạc, trao đổi với các cơ quan chuyên môn của thị xã để mở rộng địa bàn thu gom.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên kết hợp với các đoàn thể ở các xã ra quân dọn dẹp, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, thu gom rác thải do người dân tự vứt ở các bãi đât trống, khu dân cư, khai thông cống, rãnh…Các hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Nhờ vậy mà công tác thu gom lượng rác phát sinh cũng được thuận tiện, dễ dàng hơn, nhất là ở các xã đạt chuẩn NTM và NTMNC. Hiện nay, lượng rác phát sinh trên địa bàn TX. Tân Châu là hơn 61 tấn/ngày”- ông Phương khẳng định.
|
Bài và ảnh: THÚY VÂN