Xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường dịp Tết ​

10/11/2023 - 13:53

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh vừa ký ban hành Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

 Lực lượng Đội Quản lý thị trường thành phố Sơn La (Cục Quản lý thị trường Sơn La) kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích triển khai có hiệu quả các chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kế hoạch cũng nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

Trong Kế hoạch mới ban hành, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc khối trung ương cũng như địa phương. Trong đó, tại trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.

Cùng đó, chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để tham mưu Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo kiểm tra, xử lý, nhất là các đối tượng/vụ việc vi phạm liên tỉnh, quy mô lớn.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, hỗ trợ kịp thời về chuyên môn nghiệp vụ, nhân lực cho Cục Quản lý thị trường các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu các đơn vị cần phối hợp với lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội Biên phòng, thanh tra chuyên ngành, kiểm dịch động vật.. tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ; rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, tại tuyến biên giới phía Bắc, các mặt hàng cần đặc biệt lưu ý gồm: gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, pháo nổ, hàng điện tử, vải, quần áo, giày dép, đồ trang trí Tết... 

Tại tuyến biên giới miền Trung - Tây Nguyên gồm các mặt hàng: đường cát, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.... Đối với tuyến biên giới Tây Nam gồm: đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, pháo nổ...

Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong nội địa, Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất.

Mặt khác, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng và Cục Quản lý thị trường các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Đối với Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng Cục trưởng yêu cầu tăng cường việc giám sát hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường các địa phương; tham mưu Lãnh đạo Tổng cục kiểm tra đột xuất các đơn vị trực thuộc và công chức quản lý thị trường có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính của đơn vị, công chức quản lý thị trường.

Đối với Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị triển khai Hệ thống xử phạt vi phạm hành chính (INS); Tiếp nhận đầy đủ thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục và kịp thời chuyển cho các đơn vị xử lý theo đúng thẩm quyền; tham mưu Lãnh đạo Tổng cục các hình thức khen thưởng phù hợp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm. 

Đặc biệt, chỉ đạo bộ phận tuyên truyền đăng tải các tin tức nổi bật trong đợt cao điểm lên Website của Tổng cục, Tạp chí điện tử , đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông về công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của lực lượng, bảo đảm thông tin kịp thời, trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Kế hoạch được triển khai bắt đầu từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024.

Theo TTXVN