Xung quanh vấn đề thu tiền thuê bãi đá Cô Tô

11/07/2023 - 06:47

 - Báo An Giang nhận được đơn khiếu nại của bà Đoàn Ngọc Chiếu (sinh năm 1948, ngụ khóm Huệ Đức, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), không đồng tình về việc Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến (KT&CB) đá An Giang thu tiền duy tu bãi đá. Trong khi đó, phía công ty cho rằng, việc thu tiền là đúng quy định.

Bà Đoàn Ngọc Chiếu cho biết, từ năm 1998, bà có đại diện Công ty TNHH Chúc Phương ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang làm đại lý đá với 25 tài đá, mỗi tài giá trị 20 triệu đồng, tổng giá trị 500 triệu đồng. Công ty giao cho đại lý phần đất cặp kênh Cô Tô (Tỉnh lộ 943), ngang 25m, dài 52m để làm khu trưng bày và bán đá xuống tàu, ghe. Đến năm 2004, bà Chiếu có mua thêm đất với diện tích 18m ngang, dài 52m.

 “Phần đất được nhận là ao, hầm có độ sâu 2,5 - 3m, chúng tôi phải tự san lấp mặt bằng. Hàng năm, tiếp tục xuất kinh phí cá nhân thêm để sửa chữa mặt bằng, tạo thuận lợi cho ghe, tàu cập bến nhận hàng và vận chuyển” - bà Chiếu thông tin.

Theo lời bà Chiếu, trước đây, đại lý không phải đóng tiền bến, nhưng đến năm 2011, phía Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang yêu cầu các đại lý đá phải đóng tiền duy tu bến bãi với số tiền 1.000 đồng/m2.

Nhận thấy số tiền không nhiều nên đại lý đồng ý đóng. Đến năm 2020, Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang nâng tiền thu lên 10.000 đồng/m2. Với diện tích bến 1.586m2, số tiền duy tu bến bãi năm 2020 mà Công ty TNHH Chúc Phương phải nộp là 15,86 triệu đồng.

Bà Đoàn Ngọc Chiếu cho rằng, bến bãi là do đại lý tự nâng, nên không đồng ý đóng khoản tiền này. Do vậy, Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang đã ngưng cung cấp đá cho đại lý Chúc Phương từ tháng 5/2020 đến nay.

Bến bãi cặp kênh Cô Tô, được nhà nước giao Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang quản lý

Trình bày với phóng viên Báo An Giang, bà Đoàn Ngọc Chiếu yêu cầu làm rõ mấy vấn đề. Thứ nhất, phần đất Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang giao cho đại lý sử dụng và tự san lấp, sửa chữa hàng năm là của nhà nước hay của công ty?

Thứ hai, phần tiền thu duy tu bến bãi là nộp cho ngân sách nhà nước hay công ty thụ hưởng? Thứ ba, trong hợp đồng kinh tế giữa công ty và các đại lý, không có điều khoản cam kết nào bắt buộc ngưng cung cấp đá cho đại lý, khi đại lý đá không đóng tiền duy tu bến bãi.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang lại ngưng cung cấp đá cho đại lý Chúc Phương từ tháng 5/2020, thiệt hại của đại lý quá lớn, trong khi tiền tài bãi đá, tiền đóng trước để nhận đá thì đại lý đều đóng tốt và đầy đủ. “Phần tiền bắt đóng duy tu bến bãi hàng năm, mức thu này nhà nước có quy định không, giá cả như thế nào hay Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang tự quy định, tự thu?” - bà Chiếu thắc mắc.

Giám đốc Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang Võ Tấn Đỉnh cho biết, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện. Năm 1986, công ty được UBND tỉnh giao 50.000m2 đất để xây dựng trụ sở làm việc, bến bãi, nhà kho, phục vụ sản xuất của Xí nghiệp Khai thác đá (tiền thân của công ty) khi di dời từ núi Sam về khu vực Cô Tô (huyện Tri Tôn) hoạt động.

Căn cứ Quyết định 128/QĐ.UB, ngày 15/4/1986 của UBND tỉnh An Giang và căn cứ vào bảng vẽ của Sở Xây dựng về việc quản lý, sử dụng đất của các đơn vị khai thác đá, trong đó thể hiện diện tích đất của Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang quản lý, sử dụng có phần diện tích bến bãi cặp kênh Cô Tô, được công ty bàn giao cho đại lý sử dụng để trưng bày và bán sản phẩm do công ty sản xuất. Hàng năm, đại lý có sử dụng bãi sẽ nộp tiền bến bãi cho công ty; số tiền bến bãi được thể hiện trong hợp đồng đại lý hoặc biên bản giao bãi trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận giữa công ty với đại lý, đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Đỉnh, trước đây, phần đất bãi cặp kênh Cô Tô trũng và thấp, gây khó khăn cho việc kinh doanh và trưng bày sản phẩm của đại lý. Vì vậy, Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang có hỗ trợ đất núi cho đại lý để nâng mặt bằng bến bãi lên cao, đại lý tự vận chuyển đất từ mỏ xuống bến bãi để thực hiện.

Trong quá trình sử dụng, hàng ngày đại lý đổ đá xuống bãi để đập, bốc xuống phương tiện thủy; khối lượng dôi dư, sót lại trên bãi ngày qua ngày, giúp mặt bằng của bến bãi được nâng lên tương đương với mặt đường như hiện trạng ngày nay. Trong quá trình sử dụng, khi mặt bằng bến bãi nâng lên ngày càng cao, có một số đại lý hạ mặt bằng xuống để thuận tiện cho việc kinh doanh của đại lý; số lượng đất, đá hạ mặt bằng từ bến bãi, đại lý cũng đem bán ra bên ngoài.

Ông Đỉnh cho biết, từ trước đến nay, các đại lý tiêu thụ đá có sử dụng bến bãi của Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang, hàng năm đều có nộp tiền bến bãi cho công ty, trong đó có đại lý Chúc Phương.

 “Trước đây, Công ty TNHH Chúc Phương vẫn thực hiện việc nộp tiền bến bãi hàng năm cho công ty. Tuy nhiên, đến năm 2020, Công ty TNHH Chúc Phương không đồng ý nộp tiền bến bãi, mặc dù đã ký hợp đồng đại lý (Hợp đồng số 14/2020/HĐĐL-CT) và ký biên bản bàn giao bến bãi (Biên bản số 57/BB-CTY, ngày 5/3/2020). Do đó, công ty đã tạm ngưng cung cấp đá cho đại lý này”- Giám đốc Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang Võ Tấn Đỉnh thông tin.

Đại diện Công ty TNHH MTV KT&CB đá An Giang cho rằng, diện tích bến bãi cặp kênh Cô Tô do nhà nước giao công ty quản lý, nên công ty thu tiền bến bãi để phục vụ hoạt động kinh doanh là phù hợp. Đến nay, tất cả hơn 40 đại lý đều đồng ý đóng tiền, chỉ tiêng Công ty TNHH Chúc Phương là không chịu đóng. Khi nào đại lý này hoàn tất nộp tiền bến bãi, công ty mới tiếp tục cung cấp đá cho đại lý.

NGÔ CHUẨN