Theo trình bày của bà Phạm Thị Hồng Trâm (sinh năm 1979, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), bà và ông P.H.B (sinh năm 1955) sinh sống như vợ chồng, có đứa con P.P.Q.T (sinh năm 2009). Đến đầu năm 2010, ông B. trở về sinh sống với vợ và 2 con gái ở TP. Long Xuyên, mọi chuyện sinh nhai của gia đình đều do bà Trâm lo liệu. Bản thân ông B. tạo dựng được một số tài sản.
Ông B. là thương binh, nên đầu năm học 2018-2019, T. được nhận trợ cấp 250.000 đồng. Đầu năm 2021, ông B. mắc bệnh nặng, bác sĩ chẩn đoán “K vòm họng”, loại di căn nguy hiểm. Sau 8 lần nhập viện điều trị nhiều nơi, đến tháng 10-2021, ông qua đời. Ngay sau đó, 2 con gái của ông B. không ghé viếng đám tang, mà đến UBND thị trấn Óc Eo làm khai tử cho ông.
“Do không đăng ký kết hôn, bị nhiều người lời ra tiếng vào nhưng tôi vẫn chấp nhận. Nhiều năm tháng anh B. bị bệnh, mọi chi phí chăm lo đều do tôi gánh chịu. Tuy nhiên, theo di chúc của anh để lại, tôi không được nhận một khoản nào. Bản thân tôi còn đồng thuận trả 40 triệu đồng cho em chồng. Đối với cháu Q.T đang gặp cảnh khó khăn, yêu cầu nhận di sản thừa kế của cha để lại, nhưng đã lâu chưa được xem xét, giải quyết, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc” - bà Trâm cho biết.
Ông P.H.B và con
Tìm hiểu sự việc cho thấy, ngày 20-7-2021, ông P.H.B làm tờ di chúc phân chia tài sản sau khi chết, có chứng thực của UBND thị trấn Óc Eo. Theo di chúc, ông B. có khá nhiều đất ruộng, đất thổ cư, nhà gắn liền đất ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên) cùng một số tài sản liên quan. 50% số di sản để lại, phần lớn chia cho người vợ (T.T.T.V), còn lại chia cho 3 người con, gồm 2 con gái và em P.P.Q.T. Liên quan việc này, địa phương thông tin, ông B. và bà Trâm chung sống với nhau khá lâu, có con trai nhưng vẫn chưa đăng ký kết hôn. Đối với việc khai tử cho người quá cố, địa phương đã làm đúng theo quy định của pháp luật.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự. Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Việc xác định di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế là một trong những yếu tố pháp lý quan trọng, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người được hưởng di sản mà còn ảnh hưởng đến quyền của những cá nhân khác có liên quan. Những quy định pháp luật liên quan đến chế định thừa kế là cơ sở quan trọng để xác định các loại tài sản nào được để lại thừa kế, phạm vi được định đoạt trong tài sản chung, quyền của người hưởng thừa kế...
Điều 16 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo đó, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
ThS Nguyễn Hồng Hoai, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Luật Hôn nhân gia đình hiện hành quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung. Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là của họ, họ tự quyết định. Bà Trâm sống nhiều năm với ông B. nhưng không đăng ký kết hôn nên không được pháp luật thừa nhận vợ chồng. Với cháu P.P.Q.T là hàng thừa kế thứ nhất của ông B. (gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết). Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Ông B. có di chúc để lại và di chúc này hợp pháp, sẽ được phân chia theo di chúc đó”.
N.R