“Cuộc chơi” dành cho người đủ điều kiện

31/12/2018 - 07:15

 - Năm 2018, ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mang về cho đất nước 2,3 tỷ USD. Thành tích là vậy, song trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, những người tham gia vào ngành hàng này buộc phải có cách tiếp cận mới.

Từ kỹ thuật, vốn, thị trường

Những người tham gia nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu trước hết phải có thị trường tiêu thụ, nông dân nuôi cá phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy chế biến hoặc tổ chức nuôi theo hình thức nuôi gia công, liên kết. Về phía doanh nghiệp, ngoài thị trường truyền thống, phải khai phá thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đối với sản phẩm xuất khẩu, ngoài mặt hàng fillet đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm, cắt khúc, doanh nghiệp cần sản xuất thêm những mặt hàng mang tính giá trị gia tăng như: chạo cá tra, cá tra xiên que, cá tra tẩm bột chiên giòn… để sản phẩm được phong phú, phục vụ đa dạng thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, người tham gia vào ngành hàng này phải có nguồn vốn mạnh, hiểu biết tường tận về kỹ thuật, kinh nghiệm, sự liên kết dọc - ngang và quan trọng hơn cả, người nuôi cá tra phải có kỹ thuật trong chăn nuôi mới hạn chế tình trạng phát sinh dịch bệnh trong ao nuôi.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm khu nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Việt - Úc An Giang

“Tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, làm cho nhiệt độ ao nuôi dao động ở biên độ lớn, ngưỡng chịu đựng của cá trong ao nuôi đã vượt, dẫn đến tỷ lệ cá hao hụt rất nhiều. Đây là vấn đề nan giải của ngành cá hiện nay” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navicorp) Doãn Tới phân tích. 5 năm trở lại đây, tỷ lệ cá hao hụt cho cả giai đoạn (từ con bột đến cá thịt) từ 25 - 35%, điều này khiến giá thành nuôi tăng lên. Thực tế 2 năm qua, thị trường thiếu hụt con giống trầm trọng, cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu bị thiếu hụt. Một báo cáo phân tích mới đây của Navicorp công bố với các nhà đầu tư chứng khoán cho biết, sự thiếu hụt con giống là yếu tố cốt lõi, đẩy giá cá tra tăng lên 66% trong 3 năm trở lại đây, vì vậy, muốn giảm giá thành làm ra sản phẩm, hiệu quả sản xuất cao, không có con đường nào khác là khép kín quy trình từ sản xuất cá bột đến cá thịt, từ nhà máy chế biến thức ăn thủy sản đến nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Khép kín quy trình sản xuất

“Qua phân tích trên cho thấy, “cuộc chơi” sắp tới đây chỉ dành cho những người có đủ điều kiện thì mới có thể tồn tại và phát triển, mà những người có đủ điều kiện ở đây, không ngoài ai khác là 5 doanh nghiệp lớn, dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam hiện nay như: Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, East Sea, I.D.I, Nam Việt… 5 doanh nghiệp này đã đóng góp đến 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam. Chính họ mới là người có đủ điều kiện tham gia vào ngành hàng này. Còn những nông dân nuôi cá theo kiểu cầu may nên thận trọng” - ông Trần Thành Nam (nhà đầu tư cổ phiếu mã ANV) phân tích.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú Doãn Chí Thiên nhận quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh

Năm 2017, Vĩnh Hoàn xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới đạt 270 triệu USD, trở thành doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra Việt Nam. Kế đến là Hùng Vương (120,6 triệu USD), East Sea (114,2 triệu USD), I.D.I (96,7 triệu USD) và Nam Việt (85,3 triệu USD). Nếu Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp có số lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhiều nhất thì Navicorp là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc lớn nhất Việt Nam. Sự phân chia thị phần ở các thị trường nhập khẩu trên thế giới cho thấy, ngành nuôi và chế biến cá tra đang được các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để bứt phá. Trong báo cáo với các nhà đầu tư chứng khoán được phát đi vào đầu tháng 12 vừa qua, Navicorp đã công bố, công ty này đã khép kín quy trình sản xuất từ khâu con giống đến chế biến cá thịt. Giá thành nuôi mang tính “cá biệt” của công ty so với giá thành nuôi cộng đồng hiện nay chênh lệch ít nhất 1.500 đồng/kg. Điều này cho thấy, Navicorp đã tập trung hạ giá thành đến mức thấp nhất để chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiện, Navicorp đã có vùng nuôi 300ha mặt nước, có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản viên nổi. Không dừng lại ở đó, hưởng ứng chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Navicorp đã mạnh dạn đầu tư thêm vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao với diện tích 600ha. Tổng vốn đầu tư được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh 2018 (tổ chức vào ngày 15-12-2018 vừa qua) là 4.000 tỷ đồng. Đây được xem là vùng nuôi cá tra lớn nhất Đông Nam Á (cho đến thời điểm này). “Trên diện tích đã công bố, Navicorp sẽ dành ra diện tích 150ha để phát triển cá giống, phục vụ cho các vùng nuôi của công ty trong thời gian tới, số còn lại sẽ đưa ra cộng đồng con giống cá tra sạch bệnh, mạnh khỏe, tỷ lệ sống cao để góp phần tái cơ cấu ngành cá tra, bởi một trong những khâu yếu nhất hiện nay là con giống…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú Doãn Chí Thiên thông tin.

“Tôi nghĩ “cuộc chơi” sắp tới đây sẽ dành cho những ai thực sự có đủ điều kiện về thị trường, kỹ thuật, vốn, nhân lực và nhiều yếu tố khác. Năm 2019, Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhiều dòng thuế sẽ bằng 0, người nuôi cá tra phải làm sao để có giá thành tốt nhất, chi phí thấp nhất mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia trên thế giới” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới phân tích.

               

MINH HIỂN