Ấm lòng bếp ăn tình thương ở xã miền núi

28/08/2018 - 07:11

 - Từ thực tế ở địa phương còn nhiều hoàn cảnh những người già, tàn tật, người lao động phụ hồ... có thu nhập thấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, một nhóm cựu giáo chức ở xã Châu Lăng (Tri Tôn) đã bàn bạc và thống nhất, đề xuất chính quyền địa phương cho phép hình thành “Bếp ăn tình thương xã Châu Lăng”.

Thấy công việc có ý nghĩa với địa phương, các ngành, đoàn thể xã đã đồng tình ủng hộ và hỗ trợ về cơ sở vật chất (sử dụng căn nhà cũ của Phòng thuốc đông y xã) và chính thức hoạt động vào ngày 6-9-2017. Tuy nhà ăn không lớn nhưng do biết cách tổ chức sắp xếp nên nhà ăn luôn gọn gàng, sạch sẽ mọi công việc diễn ra thuận lợi.

Mỗi buổi sáng, khu vực phía sau bếp lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười rôm rả của các cô bác nhanh tay để rửa rau, xắt thịt, chế biến các món ăn thơm phức, sẵn sàng phục vụ thực khách. Họ làm bằng tất cả tấm lòng, dù là đầu bếp chính hay chỉ tiếp những công việc phụ nhưng đều bằng tinh thần phục vụ giống như đang chăm lo cho gia đình mình.

Theo các thành viên bếp ăn tình thương xã Châu Lăng, đối tượng chính để phục vụ là người già, tàn tật, người lao động phụ hồ... nên hình thức phục vụ ăn tại chỗ, hạn chế tối đa việc mang về; mỗi người 1 khay, gồm nhiều món ăn như: canh, thịt kho... trị giá 10.000 đồng/phần.

Dự kiến ban đầu, mỗi ngày từ 10-12 giờ sẽ phục vụ khoảng 50 người. Thế nhưng, sau 1 năm hoạt động, bếp ăn tình thương xã Châu Lăng luôn đón lượng người đến dùng bữa vượt kế hoạch, có lúc số lượng lên đến 70 người/ngày.

Vậy mà, Bếp ăn tình thương xã Châu Lăng vẫn hoạt động xuyên suốt và đảm bảo phục vụ 7 ngày trong tuần. Một phần, nhờ các nhà hảo tâm ở địa phương và TP. Hồ Chí Minh sẵn lòng hỗ trợ tiền mặt 15 triệu đồng/tháng, cộng với gạo và đồ gia vị do bà con ở khu vực lân cận chung tay đóng góp.

Với mong muốn “góp phần cùng chính quyền và đoàn thể địa phương” chăm lo người già, tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bếp ăn tình thương xã Châu Lăng thu hút khá đông giáo viên và cán bộ (thường trú tại xã Châu Lăng và thị trấn Tri Tôn) đã nghỉ hưu cùng tham gia. Trong đó, đa số những người phục vụ đều là nữ và giáo viên.

Được biết, sáng kiến thành lập bếp ăn tình thương xã Châu Lăng là của cô giáo về hưu Đào Bích Hồng (xã Châu Lăng, Tri Tôn). Tuy nhiên, với cô Hồng, để duy trì bếp ăn đến hôm nay cũng như trong thời gian tới hoàn toàn nhờ vào sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm gần xa, đó thực sự là những tấm lòng đáng quý.

Hiện tại, bếp ăn tình thương xã Châu Lăng đặt dưới sự quản lý và theo dõi hoạt động của Hội Người cao tuổi xã Châu Lăng. Tất cả đóng góp của các nhà hảo tâm và chi xuất hoạt động hàng ngày đều được kiểm tra và công khai rõ ràng.

Hàng ngày, đều có một tổ trực phục vụ từ 2 - 5 người, đó là chưa kể có thêm nhiều cô chú khác đến phụ tiếp, phục vụ bà con nghèo hết sức chu đáo, tận tình.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích