An cư cho người nghèo

06/09/2018 - 08:44

 - Đồng hành cùng ông Võ Ngọc Thạo (Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) len lỏi vào những con đường nhỏ dẫn vào vàm Ngã Bát (sâu trong ngọn Cái Tây, ấp Bình Phú, xã Hòa An, Chợ Mới), chúng tôi tìm đến nhà bác Tư Nhường (Lê Văn Nhường), là “ông bụt” của người nghèo.

Đó là gần cuối buổi sáng, lúc bác vừa hoàn thành việc phân loại, sắp xếp các loại gỗ vừa mới mua về và phân chia công việc cho các anh, em. Sau một hồi trầm mình dưới dòng sông, bác tiếp chúng tôi với vẻ mặt khoan khoái, hồng hào làm chúng tôi không thể nghĩ bác Tư Nhường đã ở cái tuổi ngoài 80. Bác cười nhẹ nhàng rồi cho biết: “Nhờ lao động nên tôi thấy mình còn khỏe, hôm nào không mần việc là thấy trong người uể oải”. Rồi anh Thạo gửi lời cảm ơn đến bác Tư Nhường vì đã tận tình giúp đỡ cho 1 hộ nghèo ở xã Vĩnh Khánh có được căn nhà bằng gỗ vững chắc. Đó không chỉ là việc tặng cả 1 bộ khung nhà bằng gỗ, 1 bộ mái tole mà đó còn là tấm lòng của anh, em trong nhóm đã không ngại đường sá xa xôi vận chuyển vật liệu đến tận nơi và thi công hoàn tất cho người dân. Việc làm ấy đã giúp cho người nghèo không cần phải tốn chi phí mà vẫn có được căn nhà mơ ước.

Ông Võ Ngọc Thạo tỏ ra băn khoăn khi mới nhận nhiệm vụ, chính là lúc anh len lỏi vào từng con đường, xóm ấp phát hiện ra quê mình còn lắm những ngôi nhà tranh lụp xụp, những căn nhà tuy bằng gỗ nhưng đã hư hỏng nặng vì sự bào mòn của mưa nắng. Một lần nữa, anh phải cất công đi tìm “ông bụt” Tư Nhường, mong bác tiếp tục giúp đỡ các hộ đang khó khăn về nhà ở. Bác Tư Nhường cười khẳng định “5 căn nhà nữa là không thành vấn đề, tôi ghi ngay vào sổ để còn tính toán vật liệu để mần, xong rồi sắp xếp mang ghe chở vào Vĩnh Khánh luôn”. Lúc bấy giờ, anh Thạo ngập tràn niềm vui vì điều mong muốn vì người nghèo đã được đáp ứng, còn bác Tư cũng rất phấn khởi vì còn người tìm đến mình, chứng tỏ mình còn có cơ hội san sẻ với những mảnh đời khốn khó.

An cư cho người nghèo

Bác Tư Nhường ghi chú lại việc xây nhà cho người nghèo.

Nhìn vào mớ gỗ xung quanh nhà, rồi dưới bờ sông trước nhà, tôi thắc mắc làm thế nào bác Tư có nhiều gỗ đến thế và làm thế nào để “biến” chúng thành nhà cho người dân. Bác Tư Nhường chia sẻ: “Đây là công việc của tất cả anh, em trong xóm cả chục năm nay. Ban đầu, tôi thấy người dân mình khó khăn quá, ở các kênh rạch bị ngăn sông cách chợ nên mấy anh, em xúm nhau xây cầu, làm đường rồi “lấn sân” sang xây nhà cho người nghèo. tôi đã tự bỏ tiền túi ra mua gỗ cây trâm bầu, cột bạch đàn, tôn, rồi nhờ anh, em giúp đỡ ngày công, thế là ra được cái nhà, người dân xung quanh thấy việc làm ý nghĩa quá nên tự nguyện đóng góp thêm. Người tặng gỗ, người tặng tole, người góp công sức, thực phẩm cho thợ thầy, cứ như thế số lượng ngày càng nhiều lên, tính ra mỗi năm chúng tôi cất được 100 căn nhà, suốt 10 năm nay đã trên dưới cả 1.000 căn”.

Đó là tấm lòng nhân ái vì cộng đồng của bác Tư Nhường và những người nông dân lao động bình dị. Dù đời sống còn lắm khó khăn nhưng họ đã biết sẻ chia với người nghèo Bác Tư Nhường trải lòng: “Với quê hương đất nước nơi nào cũng là máu thịt, người dân nơi nào cũng là bà con nên chúng tôi chẳng ngại ngần, sức tới đâu, tiền tới đâu thì mần tới đấy, chúng tôi nhất định không nhận đồng nào của người nghèo. Với những người có tấm lòng nhân ái, có chung ý nguyện chúng tôi sẽ nhận phần đóng góp nguyên, vật liệu xây nhà để mọi thứ đều trở nên minh bạch”. Đó chính là cách bác Tư Nhường duy trì và làm tăng uy tín của nhóm thiện nguyện xây nhà nhiều năm nay, nhờ vậy họ luôn được người dân và chính quyền địa phương yêu mến và tin tưởng.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG