An Phú đi lên từ nông nghiệp và kinh tế biên mậu

24/12/2018 - 07:35

 - An Phú đi lên từ nông nghiệp và kinh tế biên mậu, đó là khẳng định của Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức khi đề cập đến sự phát triển của huyện trong những năm tới. Để thực hiện được mục tiêu này, An Phú đang đẩy mạnh thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ chương trình phát triển kinh tế biên giới.

Từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

An Phú là huyện đầu nguồn, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 42,5km với 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ. 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nên thế mạnh của huyện được xác định là kinh tế nông nghiệp và kinh tế biên mậu. Những năm qua, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, An Phú đã tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch các vùng sản xuất để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định.

Rau màu của nông dân trong huyện tập kết ra Cửa khẩu Khánh Bình, chuẩn bị xuất sang Campuchia

Với phương châm nâng cao thu nhập trên 1 diện tích đất, huyện đã vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là xây dựng các mô hình, nhóm sản phẩm để phát triển như: nhóm sản phẩm lúa, gạo, rau màu, nấm ăn, nấm dược liệu, nhóm sản phẩm thủy sản, chăn nuôi và cây ăn trái. Từ đó, giá trị sản xuất đất nông nghiệp được nâng lên, đạt 170 triệu đồng/ha/năm, đời sống nông dân không ngừng phát triển. “Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc vận động doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị, lợi nhuận hướng đến phát triển bền vững. Kết quả của chương trình này là đã thay đổi được nhận thức của người nông dân. Cụ thể, bà con đã sử dụng giống cây trồng có kiểm định, kiểm nghiệm, có nguồn gốc, xuất xứ; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó sản phẩm làm ra sạch hơn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ và dễ dàng tiêu thụ trên thị trường” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ chia sẻ.

Đến phát triển hạ tầng giao thông

Hơn 5 năm qua, từ chương trình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nông dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất, “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”, từ đó thu nhập được nâng lên đáng kể, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định. Diện tích đất sản xuất của huyện An Phú là 41.591ha (trong đó lúa 33.624ha và màu 7.967ha), nhiều nơi đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ về những định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết muốn An Phú phát triển bền vững, doanh nghiệp tập trung về đây đầu tư, phát triển việc mua bán qua biên giới thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; chính sách thu hút đầu tư phải rõ ràng. Nhận thức được vấn đề này, An Phú đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông để phục vụ chương trình phát triển kinh tế biên giới. Cụ thể, năm 2019 sẽ hoàn thành việc xây dựng Tỉnh lộ 957, nâng cấp các tuyến quốc lộ, trong đó có Quốc lộ 91C, nối TP. Châu Đốc với Cửa khẩu Long Bình thông suốt, để việc vận chuyển hàng hóa qua lại 2 bên biên giới được thuận lợi. Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa, rau màu ở 3 xã bờ Đông phục vụ xuất khẩu nông sản sang Campuchia. Xây dựng hoàn thiện các tuyến đường trục, kết nối giao thông giữa 2 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương với Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình để phát triển kinh tế biên mậu.

“Những năm gần đây, nhờ hệ thống giao thông phát triển, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương nội địa ra cửa khẩu Khánh Bình để xuất sang Campuchia được nhanh hơn. Trước đây, chúng tôi rất ngại đối với những đơn hàng lớn, thời gian giao hàng cận kề, bởi đường sá chưa thông thoáng, giao thông còn cách trở. Nay, các doanh nghiệp ở Campuchia đặt hàng với số lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh nhưng chúng tôi đáp ứng được, bởi hệ thống hạ tầng giao thông của huyện An Phú đã hoàn chỉnh” - bà Trần Thị Mỹ Lệ (thương lái Campuchia) khẳng định.

“Những năm tiếp theo, huyện sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông để đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế kinh tế biên mậu. Thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả các tiêu chí, chỉ tiêu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Ngọc Huynh cho biết

Bài, ảnh: MINH HIỂN