Chủ động phòng dịch bệnh mùa đông - xuân

08/01/2018 - 07:49

 - Mùa đông - xuân, không khí lạnh tràn về, đan xen mưa bão, nắng nóng là những biểu hiển rõ nét của biến đổi khí hậu, tác động đến đời sống và làm suy giảm sức khỏe con người. Đây chính là thời điểm thuận lợi phát sinh các loại dịch bệnh và nhanh chóng lây lan trong cộng đồng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến tuần 51, toàn tỉnh ghi nhận 4.833 cas bệnh sốt xuất huyết (có 3 cas tử vong), tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016 (3.116 cas). Địa phương có số cas mắc nhiều nhất là: TP. Long Xuyên, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên.

Với bệnh tay- chân- miệng, tỉnh ghi nhận 3.302 cas, không có cas tử vong, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016 (2.284 cas). Địa phương có số cas mắc nhiều nhất là: Chợ Mới, TX. Tân Châu, Châu Phú, Phú Tân.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Huỳnh Mộng Hùng nhận định: “Dịch bệnh năm nay gia tăng hơn năm trước, tăng mạnh ở những tháng đầu năm và giảm vào những tháng cuối năm theo chu kỳ của dịch bệnh. Thực tế cho thấy, từ tuần 46 đến nay số cas bệnh đã giảm đáng kể. Nhìn chung, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Thế nhưng, tình hình thời tiết diễn biến thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vector truyền bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Do vậy, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tăng cường giám sát, xử lý và ngăn ngừa các ổ dịch bùng phát trở lại. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh trong cộng đồng dân cư, gia đình, trường học và các điểm giữ trẻ”.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời

Bên cạnh đó, BS. Huỳnh Mộng Hùng còn lưu ý thời tiết mùa đông xuân sẽ gây những bệnh về đường hô hấp. Ghi nhận tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, trong đợt không khí lạnh những ngày cuối tháng 12-2017, bệnh viện đã tiếp nhận 218 trường hợp bệnh nhi viêm đường hô hấp trên. Các phòng mạch tư cũng chật kín cha mẹ đưa con đến khám với những biểu hiện ho, chảy mũi, sổ mũi, sốt, đau họng.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa đông - xuân các dịch bệnh truyền nhiễm sẽ dễ phát sinh và phát triển như: sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A (H7N9), cúm A (H5N1). Bộ Y tế đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như: cúm A (H7N9), cúm A (H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng đối với các dịch bệnh có vaccxin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Các biểu hiện phổ biến cho thấy trẻ mắc sởi hoặc rubella là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp, có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não.

Để chủ động phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo: cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ, không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, tiếp xúc đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm từ dịch tiết ra từ mũi họng; lau sàn nhà, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết ra mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng; thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí cho nhà ở, phòng học.

Cùng với đó là đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ để nâng cao sức đề kháng, chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và cách ly kịp thời, tránh tình trạng tự điều trị tại nhà sẽ làm bệnh càng diễn biến nặng và khó điều trị hơn.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG