Đại học Việt Nam cần đổi mới

23/02/2018 - 20:03

Theo bảng xếp hạng chất lượng đại học (ĐH) châu Á năm 2018 do tạp chí uy tín Times Higher Education vừa công bố, trong số 350 trường ĐH hàng đầu của châu lục này, không có đại diện của bất cứ trường ĐH nào của chúng ta.

Sinh viên Khoa Công nghệ Hóa học-Thực phẩm trong giờ thực tập

Sinh viên Khoa Công nghệ Hóa học-Thực phẩm trong giờ thực tập

Và trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Timor không có ĐH nào trong danh sách 350 trường hàng đầu châu Á, trong khi các nước khác trong khu vực đều có vài trường.

Chúng ta hay biện minh cho việc này là do các tiêu chí xếp hạng, nhưng dù bảng xếp hạng ĐH của các tổ chức nào đi chăng nữa thì luôn có những tiêu chí cốt lõi để xác định vị trí của một trường ĐH, đó là tiêu chí về nghiên cứu khoa học thông qua số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín của quốc tế, cùng với đó là chỉ số trích dẫn các nghiên cứu cùng việc chuyển giao tri thức và công nghệ. Thực tế hiện nay và trong nhiều năm qua cho thấy, nền giáo dục ĐH của chúng ta có nhiều về số lượng trường, số lượng tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư nhưng số công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế lại không có cùng số lượng tương ứng. Theo các số liệu thống kê cho thấy trong một năm, phải có đến 5 tiến sĩ thì mới có 1 công bố quốc tế, một hiệu suất khoa học quá thấp.

Thế nên không có gì khó hiểu khi các trường ĐH của chúng ta ít hiện diện trong các bảng xếp hạng ĐH quốc tế bởi chúng ta chỉ chú trọng vào việc đào tạo, tuyển sinh hơn là chú trọng vào việc nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Một trong những minh chứng cho việc chỉ chú trọng đào tạo là chỉ tiêu tuyển sinh của đa số các trường ĐH năm sau luôn cao hơn năm trước, số lượng trường ĐH mở nhiều hệ đào tạo cũng rất nhiều khi gần như trường nào cũng cố mở cho được việc đào tạo sau đại học, cũng như các loại hình đào tạo khác như từ xa, vừa làm vừa học. Có lẽ do quá chú trọng đến đào tạo, đầu tư quá nhiều nguồn lực vào đào tạo nên các trường ĐH của chúng ta đã lơ là nghiên cứu khoa học và việc chuyển giao tri thức, công nghệ. Rất nhiều trường cảm thấy thỏa mãn vì tuyển được nhiều người học chứ không phải vì làm được nhiều đề tài khoa học có chất lượng cao để công bố quốc tế hay chuyển giao cho các doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động sản xuất.

Do đó theo chúng tôi, nền giáo dục ĐH của chúng ta cần phải thay đổi theo hướng phải đi bằng hai chân là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu cứ mãi đi bằng một chân như lâu nay, tức chỉ chú trọng đào tạo, thì thật khó để các trường ĐH của chúng ta có được vị trí cao trên trường quốc tế như thực tế đã và đang diễn ra.

Theo SGGP