Đào tạo nghề sát với yêu cầu doanh nghiệp

10/04/2019 - 06:51

 - Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tăng cơ hội cho sinh viên có việc làm ngay khi ra trường, Trường Cao đẳng nghề An Giang đã tổ chức buổi hội thảo với các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm lắng nghe những chia sẻ, góp ý của doanh nghiệp về chất lượng lao động của sinh viên trường nghề thời gian qua.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Với đặc trưng trường nghề nên nhà trường đặt ra mục tiêu cơ bản là đào tạo nghề gắn liền với việc làm. Nội dung và chương trình đào tạo dành 60% thời lượng và môn học cho thực hành, nhằm đào tạo những người thợ lành nghề, có thể vận hành máy móc, trang thiết bị lao động hiệu quả, có đủ kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ và nhu cầu lao động đa dạng ở các ngành nghề, nhà trường cần kịp thời thích ứng, tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có sự điều chỉnh chương trình đào tạo và kỹ năng thực hành sát sao hơn”.

Cả giảng viên và sinh viên cần tìm hiểu yêu cầu nghề nghiệp từ thực tế

Chính vì ý nghĩa đó, trường đã mời hơn 20 doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng sinh viên của trường để chia sẻ, góp ý về chất lượng đào tạo. Đa số các doanh nghiệp có chung nhận xét, sinh viên trường nghề hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, một số em chưa vững tay nghề, e ngại sử dụng những trang thiết bị máy móc, tác phong làm việc chưa chuẩn. Do vậy, hầu như các doanh nghiệp đều phải mất thời gian hướng dẫn, đào tạo lại để các em thích nghi với môi trường làm việc và các máy móc, trang thiết bị của các cơ sở, doanh nghiệp. Ghi nhận ý kiến trên, thầy Đỗ Tùng Sang (Trưởng khoa Điện) đề xuất các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường có thể gửi sinh viên đến thực tập với thời gian dài hơn, được tiếp cận những máy móc, trang thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp, bởi hầu như các trang thiết bị, mô hình dạy học ở trường đã cũ, nhà trường không đủ điều kiện trang bị những công nghệ mới, hiện đại như doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp nên góp ý thêm về những môn học, phẩm chất, kỹ năng nghề cần có khi làm việc tại doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn Phương (đại diện Viettel An Giang) cho rằng: “Khi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cho các vị trí nhân viên kỹ thuật, các em sinh viên mới ra trường chưa đủ tự tin để trả lời những câu hỏi cơ bản về kiểm tra kiến thức và kỹ năng. Do vậy, cơ hội trúng tuyển không cao. Chúng tôi không kỳ vọng các em phải hiểu biết chuyên sâu tất cả nhưng phải nắm vững những nguyên lý cơ bản, khả năng xử lý tình huống. Chẳng hạn, một chiếc máy lạnh không hoạt động phải biết được nguyên nhân và hướng xử lý, khắc phục”.

Từ buổi thảo luận trên, Trường Cao đẳng nghề An Giang đã ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, thí điểm từ các ngành nghề đào tạo thuộc Khoa Điện. Sự hợp tác sẽ tạo điều kiện cho học sinh có thể vận dụng kiến thức, lý thuyết vào thực tiễn, tiếp cận máy móc, công nghệ mới, xây dựng tác phong làm việc theo hướng công nghiệp và chuyển đổi nhận thức từ học nghề sang hành nghề. Từ đó, tăng niềm đam mê học tập, tích lũy kinh nghiệm và tự tạo mối quan hệ, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Về phía trường nghề sẽ có cơ sở thực tiễn để đánh giá hiệu quả đào tạo và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cao hơn. Còn doanh nghiệp sau quá trình giúp đỡ học sinh, sinh viên thực tập có thể bồi dưỡng, phát hiện những nhân tố tích cực, đào tạo lao động có tay nghề cao, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG