Đầu nguồn chống lũ

03/08/2018 - 06:35

 - Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa lũ, triều cường và đặc biệt là vụ vỡ đập thủy điện ở Lào làm cho mực nước đầu nguồn An Phú, Tịnh Biên, TX. Tân Châu… lên nhanh. Nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân trồng ngoài đê bao bị ảnh hưởng, nhiều nơi bị mất trắng.

Ảnh hưởng sản xuất

Kênh Bảy Xã những ngày cuối tháng 7, dòng phù sa ngầu đục theo con nước từ thượng nguồn đổ về. Cánh đồng mênh mông nước tiếp giáp với phía Campuchia ngập loang loáng xa tít tầm mắt. Theo nhiều người dân, gần chục năm nay mới thấy cảnh nước lũ về ngập sâu như thế! Ở phía Tây sông Hậu là các xã: Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông… nước lên nhanh từ khoảng 1 tuần nay.

Vụ hè thu này, toàn huyện An Phú xuống giống 16.622ha (lúa 13.545ha, màu 3.077ha). Trong đó, khoảng 750ha nằm ngoài đê bao thuộc 2 xã Nhơn Hội và Phú Hội, phần diện tích này giáp ranh biên giới Campuchia nên không được đầu tư công trình đê bao, chỉ sản xuất 1 vụ/năm theo nước rút tự nhiên. Trong vụ đông xuân vừa qua do giá lúa ở mức cao, người dân sản xuất có lãi nên tận dụng khoảng thời gian xuống giống thêm vụ tiếp theo.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết: ngay đầu vụ hè thu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa ở những vùng đê bao không an toàn nhằm tránh thiệt hại khi lũ về sớm. Tuy nhiên, nông dân 2 xã Nhơn Hội và Phú Hội thuộc khu vực ngoài đê bao đã tự phát xuống giống 454ha lúa (Nhơn Hội 154ha, Phú Hội 300ha).

Khoảng 1 tuần nay, nước lũ về sớm kết hợp ấp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài làm mực nước lên rất nhanh, bà con đã tranh thủ thu hoạch được 391,5ha. Còn lại 62,5ha lúa giai đoạn 80 ngày tuổi chưa đến thời điểm thu hoạch. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện họp khẩn chỉ đạo cho lực lượng Quân sự, Công an huyện và xã tổ chức giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ (diện tích 62,5ha).

Qua đó, đã thu hoạch được 22,5ha, mất trắng gần 40ha do lũ lên rất nhanh. “Nhờ lực lượng bộ đội địa phương hỗ trợ nên thu hoạch được phần diện tích bị ngập. Mấy năm nay không có lũ nên tranh thủ xuống giống ngoài đê bao để kiếm thêm chút đỉnh. Nào ngờ năm nay lũ về sớm nên phải thu hoạch chạy lũ” - ông Lũy (xã Nhơn Hội) chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, đến ngày 30-7, toàn huyện thu hoạch được 11.047ha vụ hè thu, đạt 66,5% diện tích gieo trồng. Trong đó 3 xã bờ đông sông Hậu (Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu) đã thu hoạch lúa dứt điểm ở vùng sản xuất 2 vụ/năm (xã Vĩnh Hậu còn 46,45ha màu chưa thu hoạch, dự kiến 10-8 thu hoạch dứt điểm).

UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phân công lực lượng tuần tra, kiểm tra đê, cống bửng nhằm phát hiện nước rò rỉ để kịp thời xử lý ngay, túc trực các máy bơm, trạm bơm đề phòng khi có mưa, lũ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết và mực nước lũ để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Tăng cường phòng, chống

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Anh Thư cho biết: theo số liệu quan trắc và phân tích diễn biến đầu lũ năm 2018 trên khu vực thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long cho thấy, lũ năm nay xuất hiện sớm hơn khoảng 9 ngày, nhưng mực nước cao nhất đến cuối tháng 7 chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm 2017. Sau vỡ đập thủy điện ở Lào, mực nước gia tăng tại đầu nguồn An Phú, TX. Tân Châu tăng không đáng kể, do thời điểm này có sự cộng hưởng của triều cường nên mức tăng khoảng 6 - 8cm.

Dự báo, đỉnh lũ năm ở khu vực đầu nguồn tại TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2017 nhưng thấp hơn báo động (BĐ) 2 (BĐ2 tại Tân Châu 4m, Châu Đốc 3,5m), xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Ở khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, đỉnh lũ năm có thể thấp hơn BĐ2 (BĐ2 tại Xuân Tô 3,5m, Tri Tôn 2,4m), xuất hiện giữa tháng 10.

Ngày 31-7 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt cùng lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính… kiểm tra tình hình lũ và công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) ở huyện đầu nguồn An Phú.

Trước diễn biến phức tạp do mưa lũ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt chỉ đạo huyện An Phú phải chủ động trong PCLB, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; gia cố đê bao để đảm bảo “ăn chắc” các vụ sản xuất. Đồng thời, triển khai ngay các điểm giữ trẻ mùa lũ; tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, đề phòng sạt lở để đảm bảo an toàn cuộc sống. Đối với một số vùng trũng, hệ thống trạm bơm điện chưa đảm bảo cho việc bơm tiêu chống úng và một số nơi cần đầu tư mới để đảm bảo sản xuất, địa phương cần tích cực hỗ trợ cho bà con. Tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 250.468,46ha (lúa 231.381,56ha, màu 19.086,9ha), hiện chưa thu hoạch khoảng 172.000ha, trong đó vùng sản xuất 2 vụ/năm là 17.893ha. Mưa lũ, triều cường đã làm ảnh hưởng trên 150ha ở An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… Dự kiến, đến tháng 9 mới thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích hè thu (hơn 3.800ha còn lại ở TX. Tân Châu, Phú Tân).

Bài, ảnh: HỮU HUYNH