Để hướng nghiệp thành công

25/03/2019 - 07:38

 - Từ tháng 3, hoạt động tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng và hướng nghiệp của trường phổ thông đã bắt đầu khởi động. Đây là khoảng thời gian các em học sinh cuối cấp THCS và THPT quan tâm đến việc chọn ngành, chọn trường, xác định học tiếp hay học nghề, định hướng tương lai phù hợp với khả năng của mình.

Trường Cao đẳng Nghề An Giang tư vấn hướng nghiệp tại Trường THCS Phú Bình (Phú Tân)

Thành công của hướng nghiệp được xác định là lựa chọn của học sinh, phản ánh kết quả đồng nhất từ nguyện vọng bản thân các em, phù hợp khả năng và xu thế xã hội, điều kiện gia đình, đồng thuận của phụ huynh… Tuy nhiên, phần lớn các em học sinh còn khá lúng túng trước sự lựa chọn của mình. Em T.T. (Trường THPT Cần Đăng, Châu Thành) chia sẻ: “Bây giờ tình trạng thất nghiệp rất nhiều, đôi khi học nghề xong cơ hội tìm việc làm rất khó. Có bằng đại học trước rồi xin việc hoặc có thể học lên cao hơn”. Trong khi quan niệm hiện nay học theo bằng cấp vẫn chưa được hiểu thấu đáo, quan niệm “chạy theo xu thế” tiếp tục trở thành mối lo mới trong các em học sinh. Nhiều giáo viên trần tình, do ảnh hưởng từ các chương trình giải trí, các em cho rằng, làm ca sĩ, diễn viên, ngôi sao, diễn hài… rất “dễ ăn” nên muốn phát huy khả năng của mình ở các lĩnh vực này. Một số em không thể kiên nhẫn để học xong cấp học và tốt nghiệp, chỉ muốn nhảy ngay “vào nghề”. Các em không xác định rõ bản thân thích gì, sở trường của mình ra sao mà chỉ dựa vào cảm tính “việc đó mình cũng có thể làm được”.

Để tăng hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang tích cực đổi mới hình thức, nội dung thông tin đến với học sinh. Điển hình như Trường Cao đẳng nghề An Giang, luôn nhấn mạnh những thế mạnh trong học nghề: tiết kiệm thời gian, thời lượng học hơn 80% là thực hành trên thiết bị, nhiều ngành nghề sinh viên đang học năm thứ 2 đã có thể đi làm thêm để tự trang trải, doanh nghiệp đến “đặt hàng” số lao động theo yêu cầu. Ngoài tổ chức tư vấn tuyển sinh đến các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, trường còn tổ chức các hoạt động tương tác, quảng bá trên mạng xã hội, kết nối với các trường học để giới thiệu, thu hút học sinh học nghề. những năm gần đây, với hình thức trải nghiệm: “Một ngày làm sinh viên - công nhân”, nhiều trường học đã tổ chức đoàn đến Trường Cao đẳng Nghề An Giang để các em học sinh tham quan, tìm hiểu từng ngành học cụ thể, cùng những trải nghiệm thực tế môi trường đào tạo với giảng viên và sinh viên.

Trong khi đó, tại trường học - nơi tác động gần hơn với học sinh đã có nhiều biện pháp nhằm thay đổi về công tác hướng nghiệp cho các em học sinh. Bước vào thời điểm ôn thi, song song với việc đồng hành cùng các em ôn tập - thi cử, các trường THPT còn dành nhiều thời gian, hình thức linh động để cung cấp kiến thức liên quan hướng nghiệp cho học sinh. Các trường THPT: Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu), Chu Văn An, Nguyễn Chí Thanh (Phú Tân), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Châu Thành)… là những đơn vị tích cực nhất với các hình thức này. Các trường duy trì hình thức hội nghị truyền thông, tổ chức tư vấn từ đại trà đến trực tiếp cá nhân, tư vấn đồng thời cho phụ huynh, mời cựu sinh viên, những người thành đạt về nói chuyện, truyền cảm hứng cho các em, tổ chức đoàn tham gia ngày hội tuyển sinh tại các trường đại học, cao đẳng ở thành phố lớn... nhằm giúp các em có những lựa chọn phù hợp nhất.

Ngoài ra, giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên còn tận dụng mạng xã hội để tương tác, trao đổi với học sinh về những nội dung liên quan đến việc chọn nghề, học theo xu hướng nào. Nỗ lực tích cực là vậy, nhưng giáo viên chỉ ra rằng, người quyết định nhất vẫn là học sinh. Các em phải xác định được một cách phù hợp giữa nguyện vọng, khả năng bản thân với nhu cầu xã hội thông qua các chương trình hướng nghiệp. Quan trọng hơn, những định hướng, lựa chọn của các em cần được xác định càng sớm càng tốt, có sự ủng hộ từ gia đình chứ không phải đợi đến mùa thi mới “băn khoăn” lựa chọn.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích