Đến hẹn, bàn chuyện chọn nghề

21/03/2018 - 07:21

 - Đa số phụ huynh và học sinh (HS) chỉ tính đến việc chọn nghề và học một nghề cụ thể vào năm lớp 12 hoặc khi HS lớp 9 không thể tiếp tục học lên lớp 10. Ai cũng muốn có nghề nghiệp tốt, công việc ổn định và thu nhập đảm bảo nhưng lại “cho qua” bước chuẩn bị quan trọng: chọn nghề càng sớm càng dễ thành công.

Thầy B., giáo viên dạy THPT than thở: “Bây giờ, nhiều em đang chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường đại học, cao đẳng nhưng không chắc mình có theo nổi ngành đó không, không nắm rõ bao nhiêu phần trăm các em yêu thích ngành mình đã chọn”.

Đáng buồn là thực trạng này còn khá phổ biến vì HS chọn ngành học theo cảm tính, theo gợi ý gia đình, bạn bè rủ nhau học cùng ngành… cho vui (?!).

Cách đây 5 năm, bạn Nguyễn C.T. tự tin đăng ký học ngành sư phạm vì thấy quê mình còn thiếu giáo viên. Tốt nghiệp xong không tìm được chỗ dạy, T. quyết định học cao học để có cơ hội xin việc tốt hơn. Mọi người không khỏi băn khoăn, sau 3 năm nữa nếu không xin được việc làm thì thế nào, T. trả lời: “Khi đó tính sau, có thể em lại tiếp tục học để người ta chú ý đến trình độ của mình, vì em không muốn đi làm ngành khác”.

Một trường hợp khác, ở cấp học THCS, đề cập đến việc hướng nghiệp sớm cho HS, ông Nguyễn Minh Hưng (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang), phụ huynh HS lớp 9 phản ứng: “Còn nhỏ quá biết gì đâu mà chọn nghề, phải học cao bằng anh, bằng chị mới định hình được”.

Cũng như ông Hưng, nhiều phụ huynh quan niệm phải có bằng cấp cao mới dễ tìm việc làm và cho con em đi theo hướng quen thuộc: tốt nghiệp lớp 9, học tiếp THPT, thi vào đại học, cao đẳng. Một bộ phận trong xã hội vẫn xem học nghề là lựa chọn cuối cùng, học nghề xong chỉ để làm thợ.

Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THCS

Theo kết quả Đề án “Thực hiện công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS giai đoạn 2016-2020” của tỉnh, qua 3 năm triển khai (từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018) đã có nhiều biện pháp, như: giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, HS, sáp nhập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chính sách miễn, giảm học phí học nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Trong 3 năm học, toàn tỉnh có 69.288 HS tốt nghiệp THCS, trong đó 53.113 HS vào học THPT (bao gồm công lập và tư thục), chiếm tỷ lệ 76,66%; số còn lại có 3,32% HS vào học giáo dục thường xuyên, 4,29% học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, thấp hơn mục tiêu đề án đề ra.

Một tỷ lệ khá lớn HS sau tốt nghiệp THCS (10.109 HS, chiếm tỷ lệ 14,59%) đi thẳng vào thị trường lao động hoặc trở về địa phương làm ăn khi chưa được đào tạo nghề.

Trong phân luồng, hướng nghiệp hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề: nhận thức của phụ huynh và HS, mạng lưới các trường đào tạo nghề, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô và chất lượng, ngành nghề hiện có chưa tạo được sức hút mạnh mẽ cho HS.

Trong khi đó, nội dung hướng nghiệp tại các trường THCS đến nay vẫn thiếu tính thực tiễn, nhất là việc nắm bắt thị trường lao động để có thể giúp HS nhận thức rõ ràng về ngành học và nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, tâm lý xem trọng bằng cấp, ưa chuộng những ngành nghề theo xu hướng “đám đông” tác động khá lớn đến sự lựa chọn của HS sau tốt nghiệp THCS.

Công tác hướng nghiệp được các trường THCS thực hiện khá tích cực, cấp THPT cũng quan tâm ngay từ lớp 10. Vấn đề không phải là chọn thời điểm nào, mà tác động như thế nào để chuyển đổi nhận thức cho phụ huynh và HS có hướng đi đúng.

Mong muốn học hành cao, tìm được công việc tốt là nguyện vọng chính đáng của hầu hết mọi người. Nguyện vọng này cần được động viên nếu bản thân HS có ý chí, có mục tiêu, đủ năng lực theo đuổi, đồng thời điều kiện kinh tế gia đình cho phép.

Ngược lại, HS cần được chỉ dẫn để thấy còn những ngả rẽ tốt hơn. HS có thể chọn học nghề hoặc vừa học văn hóa, vừa học nghề thay vì chạy theo giấc mơ bằng cấp mà không cầm chắc được kết quả.

Việc chọn nghề hiện nay chỉ được quan tâm khi bước vào học kỳ II của năm học cuối cấp, trong khi đáng lẽ cần được tác động thường xuyên, lâu dài. Xã hội cần nhìn nhận đúng, hướng nghiệp không phải là cổ xúy vận động HS theo học nghề và đi làm sớm hơn, mà định hướng cho các em lựa chọn đúng năng lực, góp phần phân loại chất lượng HS ở các cấp học tốt hơn.

MỸ HẠNH