Định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm

31/12/2018 - 07:15

 - Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thời gian qua, tỉnh tập trung cho hoạt động định hướng, đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

An Giang có gần 2,2 triệu người nên nguồn lao động rất dồi dào. Do đó, tỉnh tập trung cho hoạt động định hướng, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh có 29 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (2 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm đào tạo nghề nghiệp và 13 cơ sở khác có tham gia giáo dục nghề nghiệp).

Năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 25.000 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.251 người, trung cấp 1.156 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 22.593 người. Trong số này, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 390 lớp, với hơn 12.000 người, ký 11 hợp đồng đào tạo nghề “theo đơn đặt hàng” với Công ty TNHH May mặc Lu An, Công ty TNHH NV Apparel, Công ty TNHH Thủy sản Đông Á, Công ty TNHH may Xuất khẩu Thành An và Công ty TNHH May Đức Thành tổ chức 30 lớp/1.050 người). Có thể nói, đào tạo nghề “theo đơn đặt hàng” đã kết nối cung - cầu trên thị trường lao động, không chỉ giúp người lao động được đào tạo đúng vị trí việc làm, mà còn giúp doanh nghiệp có được đội ngũ công nhân lành nghề. Từ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đang làm việc trong tỉnh được nâng từ 42,5% (năm 2017) lên 47,6% (năm 2018).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đang làm việc trong tỉnh được nâng từ 42,5% (năm 2017) lên 47,6% (năm 2018). Ảnh: H.H 

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Phước cho biết: trung tâm tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm được việc làm, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, kể cả số lao động tại xã, phường được trực tiếp tư vấn trên website trung tâm. Duy trì “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày giao dịch việc làm” định kỳ hàng tháng tại trung tâm; cổng thông tin điện tử kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm ký các đơn hàng tuyển dụng lao động. Đồng thời, đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn để đưa lao động tham gia xuất khẩu lao động... Năm 2018, trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 23.982 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.393 lượt người; cung ứng 972 lượt doanh nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động 392 lượt lao động, trong đó có 35 lao động thông qua trung tâm đã trúng tuyển đi lao động sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, còn có 65 lao động do trung tâm giới thiệu đang học định hướng tại các công ty chờ xuất khẩu lao động sang các nước.

Trung tâm đã tổ chức “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày giao dịch việc làm” định kỳ hàng tháng (phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ thực hiện 3 “Phiên giao dịch việc làm” trực tuyến khu vực ĐBSCL) có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ hội cho người lao động trong tỉnh có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, đây còn là cầu nối để người lao động và học sinh, sinh viên ở các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các trường đại học đang đào tạo các chuyên ngành có cơ hội gặp gỡ trao đổi và tìm kiếm cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trung tâm tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm tại Trường Đại học An Giang và tổ chức định kỳ ngày 10 hàng tháng tại trung tâm. Năm 2018, có 614 doanh nghiệp tham gia các “Sàn giao dịch việc làm” và “Ngày giao dịch việc làm” với số lao động tham gia 2.714 người. Trong đó lao động đăng ký tìm việc làm 919 lượt người, lao động được tư vấn trực tiếp 2.512 lượt người, lao động được giới thiệu việc làm 812 lượt người.

Để công tác đào tạo nghề ngày càng chất lượng, hiệu quả, yêu cầu đặt ra đó là đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ việc làm) tích cực hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc tổ chức các “Phiên giao dịch việc làm”, tập trung tổ chức “Ngày giao dịch việc làm” định kỳ hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và “Sàn giao dịch việc làm” tại các địa phương với quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động cao hơn (năm 2018 tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm). Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích