Đóng góp của nữ đoàn viên trong phong trào thi đua yêu nước

12/07/2018 - 07:28

 - Qua từng năm phát động phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, lao động ở doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ghi nhận, biểu dương nhiều tấm gương có sáng kiến, đóng góp thiết thực. Chuyển biến của phong trào không chỉ thể hiện rõ nét ở số lượng và chất lượng, số lao động trực tiếp trong doanh nghiệp tăng lên mà còn đáng chú ý khi có những “bóng hồng” đóng góp thành tích đáng nể.

Công tác tại Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang, một trong những nhiệm vụ quan trọng chị Trần Thị Thu Em, Trưởng ban Ứng dụng Công nghệ sinh học phụ trách là thực hiện các quy trình và kỹ thuật về công nghệ sinh học hiện đại phục vụ cho đơn vị.

Chị Thu Em chia sẻ: “Dựa trên mục tiêu của công ty hướng đến du lịch (DL) sinh thái - nghỉ dưỡng, ban của chúng tôi luôn tìm hiểu và sáng tạo nhằm cho ra đời các sản phẩm đặc trưng phù hợp với đơn vị. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy núi Cấm là nơi sở hữu trên hàng ngàn loài thảo dược quý hiếm từ rừng núi tự nhiên, nhưng ngày càng nhiều người dân đổ xô khai thác một cách triệt để làm mất dần nguồn giống dược liệu quý”.

Từ thực tế đó, chị Thu Em đã nghiên cứu, thực hiện thành công 2 dự án. Dự án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển các loại giống khổ qua rừng, lan kim tuyến của núi Cấm” góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, phát triển sản phẩm khổ qua rừng sấy khô và lan kim tuyến chậu kiểng, trở thành điểm nhấn đặc trưng cho Khu DL cáp treo núi Cấm.

Với dự án “Nhân nhanh giống hoa kiểng phục vụ trang trí Khu DL cáp treo núi Cấm” đã giảm chi phí mua hoa kiểng trưng bày mỗi năm trên 400 triệu đồng, giảm công chăm sóc và thay hoa kiểng vì các chậu hoa được cung cấp tuổi thọ cao hơn từ 1-2 năm, hoa nở liên tục và lâu tàn.

Ngoài ra, chị còn kết hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh thực hiện hoàn thành dự án “Sưu tập và nhân giống một số cây dược liệu có tiềm năng phát triển ở An Giang”.

Hăng say lao động và có chuyên môn vững vàng, chị Thu Em đang tiếp tục thực hiện các dự án: “Khảo nghiệm một số giống hoa và cây cảnh thích nghi ở khu vực Thủy Liêm - núi Cấm phục vụ cảnh quan DL”, “Phát triển mô hình nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ phát triển DL núi Cấm giai đoạn 2017 - 2020”, “Xây dựng khu bảo tồn dược liệu kết hợp DL núi Cấm - tỉnh An Giang”.

Đóng góp của nữ đoàn viên trong phong trào thi đua yêu nước

Vườn lan kim tuyến ở núi Cấm của Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang

Chị Lê Thùy Nương, Phó Trưởng phòng Di truyền và Chọn giống lúa tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là người luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm, được Ban Giám đốc đánh giá cao về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp giỏi.

Là cá nhân điển hình được ghi nhận qua nhiều hình thức khen thưởng, năm 2017, chị đã lai tạo thành công giống lúa thuần “Lộc Trời 5” và chọn lọc nhằm đáp ứng các nhu cầu “Phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu phèn, phẩm chất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp sinh thái vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ”.

Chị Nương cho biết, đặc tính giống “Lộc Trời 5” có thời gian sinh trưởng ngắn (95 - 100 ngày), cứng cây, bông đùm, chịu phèn, năng suất cao, gạo đẹp, thon dài, ít bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất (SX), SX thử, “Lộc Trời 5” đạt năng suất cao so với các giống lúa phổ biến, có ưu điểm trổ tập trung, vào chắc nhanh, ổn định, thích nghi ở nhiều vùng đất và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lúa SX thử tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Hiệu quả kinh tế khi SX “Lộc Trời 5” ở các mô hình SX thử cho thu nhập cao hơn so với giống phổ biến OM5451 trong cùng mùa vụ canh tác do năng suất cao và chi phí đầu tư thấp hơn. Theo chị Nương, sau khi giống được công nhận chính thức và được phép kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận cho công ty và hiệu quả kinh tế cho người nông dân rất lớn.

MỸ HẠNH