Giải quyết trạm BOT T2 sao cho hợp lý?

16/07/2019 - 07:58

 - Mặc dù mời chủ đầu tư cùng đại biểu các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ ra tận Hà Nội dự họp nhưng cuối cùng, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa quyết định phương án xử lý đối với trạm thu phí BOT T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ).

Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang giữ nguyên kiến nghị

Cũng là họp “Xử lý các vướng mắc tại trạm thu phí T2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km 14+000 - Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT” theo hình thức “họp kín, cấm cửa báo chí” nhưng thay vì họp tại địa phương đặt trạm BOT T2 (quận Thốt Nối, TP. Cần Thơ) như lần trước, Bộ GTVT lại mời các đại biểu ra trụ sở của bộ tại địa chỉ 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để dự họp ngày 11-7 vừa qua.

Theo giấy mời hỏa tốc số 695/GM-BGTVT, ngày 5-7-2019 của Bộ GTVT thì thành phần tham dự họp khá đông đảo. Ngoài Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (chủ trì cuộc họp), các vụ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ GTVT), Ngân hàng Vietinbank (nhà đầu tư mới) ở ngay TP. Hà Nội thì đa phần các đại biểu còn lại đều ở khu vực ĐBSCL, gồm: UBND các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ; Liên danh Tổng Công ty Phát triển KCN và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO; Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang (chủ đầu tư hiện hữu); Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Trạm BOT T2 liên tục bị tài xế phản ứng trước khi xả trạm từ chiều 25-5-2019 đến nay

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang không cử đại diện dự họp, mà chỉ gởi công văn trả lời cho Bộ GTVT. “Trước sau như một, hiệp hội vẫn giữ nguyên kiến nghị 3 phương án là: “đi bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu” (theo mức phí Tổng cục Đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng); dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về TP. Long Xuyên - tỉnh Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn hoặc di dời trạm T2 vì đã đặt sai vị trí, thời gian di dời phải được xác định cụ thể và đề án đặt lại trạm phù hợp. Quan điểm của Hiệp hội là không “xin” miễn, giảm gì nữa cả” - ông Xuân nhấn mạnh.

Tiếp tục dừng thu phí là phù hợp

Nét mới của cuộc họp ngày 11-7 tại TP. Hà Nội là vấn đề miễn, giảm không còn là chủ đề chính như cuộc họp ngày 23-5-2019 tại UBND quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Thay vào đó, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án để các đại biểu thảo luận. Phương án 1 là dời trạm T2 qua ngã ba Lộ Tẻ, đến gần Khu công nghiệp Thốt Nốt. Phương án 2 là giữ nguyên vị trí trạm như cũ và xả trạm không thu phí cho đến khi xây dựng xong tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Trực tiếp tham dự cuộc họp ngày 11-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, An Giang đã kiến nghị nên chọn phương án 2 bởi tuyến tránh TP. Long Xuyên đang được thúc đẩy tiến độ, dự kiến đến đầu năm 2022 là làm xong. Khi có tuyến tránh, các phương tiện từ An Giang có thể chọn lựa đi theo tuyến tránh xuống Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống mà không cần phải đi qua trạm thu phí T2. Riêng các phương tiện xuống TP. Cần Thơ sẽ đi qua trạm BOT T1 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) và đóng phí bình thường.

Theo tính toán của chủ đầu tư, nếu chọn phương án 1, tức dời trạm BOT T2 xuống gần Khu công nghiệp Thốt Nốt, chi phí xây dựng lên đến 38 tỷ đồng. Rõ ràng, phương án này là rất lãng phí bởi khi dời qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ, lượng phương tiện qua trạm sẽ giảm xuống rất nhiều. Hơn nữa, hầu hết các phương tiện từ An Giang, Kiên Giang, cầu Vàm Cống xuống TP. Cần Thơ đều phải đi qua trạm thu phí T1. Với vị trí án ngữ ngay giữa tuyến Quốc lộ 91 được nâng cấp, trạm T1 đón cả 2 luồng phương tiện qua Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B (được nâng cấp sau). Nếu dời trạm BOT T2 qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ, các phương tiện cũng chỉ mua vé 1 lần ở T2 rồi dừng lại ở T1 để thu hồi vé (hoặc ngược lại), số tiền thu thêm chẳng bao nhiêu so với chi phí dời trạm. Nếu giữ nguyên trạm BOT T2 và tiếp tục dừng thu phí như hiện tại, khoảng hơn 2 năm nữa, khi tuyến đường tránh TP. Long Xuyên hoàn thành, trạm T2 có thể tiếp tục thu phí trở lại bình thường đối với các phương tiện xuống TP. Cần Thơ, đỡ tốn chi phí di dời. “Tuy nhiên, cần công khai, minh bạch về số tiền thu và thời gian thu phí. Không được xem đây là cái cớ để nhà đầu tư tăng thời gian thu phí qua trạm” - ông Nguyễn Ngọc Xuân lưu ý.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, nếu chọn phương án 2 (giữ nguyên xả trạm), Bộ GTVT kiến nghị ngân hàng cho chủ đầu tư được khoanh nợ đến khi nào có đường tránh TP. Long Xuyên thì tính tiếp. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ thành lập đoàn vào khảo sát thêm, xem lắp ráp trạm mới tốn kinh phí bao nhiêu, chi phí như thế nào và tính toán giữa 2 phương án xem phương án nào giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư nhất thì… mới chọn lựa.

NGÔ CHUẨN