Hành trình xây mái ấm cho người nghèo

14/01/2019 - 07:29

 - Năm 2018, toàn đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) thực hiện các hoạt động từ thiện - xã hội được trên 400 tỷ đồng, trong đó, hoạt động cất nhà từ thiện hơn 79 tỷ đồng. Quá trình phát triển của Tổ cất nhà từ thiện những năm qua đã đóng góp nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Từ những năm 1980, kinh tế chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là những gia đình mà nỗi lo "cơm ăn áo mặc" hàng ngày đã chiếm hết thời gian, nên việc xây dựng mái ấm gia đình đành gác lại. Chỗ ở của họ chỉ là những chòi lá xiêu vẹo, những mái nhà dột nát không thể che nắng, trú mưa… Truyền thống chia sẻ, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống được khơi dậy trong tâm khảm của mỗi người dân. Thông qua chính quyền địa phương, UBMTTQ, bà con có chung tấm lòng thiện nguyện hình thành những tổ cất nhà tình thương để cùng chung tay giúp đỡ hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở. Ý tưởng này được bà con tín đồ PGHH tích cực tham gia, dù khởi đầu chỉ là nhà tre lá tạm bợ giúp bà con ổn định được vài năm.

Trong giai đoạn đầu, các tổ cất nhà huy động những gì có sẵn trong xã hội, người dân dễ dàng chia sẻ thông qua những cây tre, tấm lá. Chỉ cần tấm lòng và dụng cụ là những cây búa, cưa tay, cây đục… là hàng ngàn ngôi nhà tre lá được hình thành. Kinh tế dần ổn định và phát triển, đời sống xã hội từng bước được nâng lên, các điều kiện hỗ trợ cuộc sống cải thiện rất nhiều. Chuyện xây dựng nhà ở từ thiện cũng “nâng chất” từ lợp bằng lá sang những tấm thiếc bền hơn, nhẹ hơn, còn bộ sườn nhà được thay bằng các loại cây tạp (chủ yếu là cây bạch đàn). Nhằm khai thác tốt sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm ủng hộ các nguyên liệu cát, đá, hộp kẽm vuông kẽm, xi măng… một số nơi kết hợp bộ khung sườn nhà là 8 cây cột bê-tông với cây vuông, lợp tole. Với chất liệu này, căn nhà đã nâng thời gian sử dụng trên 10 năm và tính thẩm mỹ được bảo đảm.

Hành trình xây mái ấm cho người nghèo

Những ngôi nhà từ thiện tiếp thêm động lực cho người nghèo vượt qua khó khăn.

 Với bộ sườn cây hay cột bê-tông đòi hỏi rất nhiều công sức trong quá trình vận chuyển cho đến cất nhà. Trong khi thành viên của các tổ cất nhà đa phần là lực lượng trung niên, sức khỏe giảm sút, người trẻ tuổi thì phải mưu sinh xa nhà, các Tổ cất nhà gặp “khủng hoảng” về nhân sự. Trong khó khăn đó, một dạng nhà mới hình thành đã giải quyết được những vấn đề: chi phí không cao hơn sử dụng cây, ít tốn công sức, dễ vận chuyển, thời gian sử dụng trên 15 năm, tính thẩm mỹ cao… chính là sử dụng hộp kẽm, vuông kẽm, nay đã có nhiều tổ cất nhà từ thiện thực hiện. Vừa góp sức xây mái ấm cho người nghèo từ địa phương này sang địa phương khác, các tổ cất nhà từ thiện còn tận dụng gỗ không đảm bảo quy cách cho việc cất nhà sang đóng bàn làm việc, bàn ăn, ghế dài… cho các Ban Trị sự hay nhà thuốc nam. Có tổ còn đóng các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như: trang thờ, giường, chõng, đi-văng… cho đồng bào nghèo có nhu cầu hay đóng hòm miễn phí hỗ trợ bà con nghèo khi gia đình có tang chế.

Hành trình xây mái ấm cho người nghèo

Nhà hộp kẽm, vuông kẽm đã mở rộng loại hình không chỉ cất nhà cho người nghèo, mà còn thực hiện cất trụ sở làm việc, cất nhà thuốc, các loại hình nhà tiền chế… Ông Đoàn Huỳnh Lương, Tổ cất nhà từ thiện tỉnh Hậu Giang cho biết, mô hình cất nhà bằng tổ hợp kẽm + gỗ bạch đàn đã giúp tổ đẩy nhanh tiến độ, trong năm giải quyết được rất nhiều nhà ở cho bà con nghèo. Thành quả của tổ cất nhà là đã xóa toàn bộ nhà tạm trong tín đồ, năm 2018 được UBND tỉnh và UBMTTQVN tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen. Các tỉnh, thành phố như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ cũng đang áp dụng mô hình cất nhà mới ở những nơi có điều kiện. Phó Trưởng ban từ thiện - xã hội kiêm Tổ trưởng Tổ cất nhà từ thiện PGHH Nguyễn Văn Thắm chia sẻ: “An cư lạc nghiệp là một trong những chương trình quốc gia mà nhà nước và toàn xã hội đang tập trung thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với tấm lòng của người tín đồ PGHH, hoạt động xây dựng một mái ấm cho những người đang gặp khó khăn là một trong những hoạt động cần được thực hiện tốt hơn trong những năm tới”.

Hành trình xây mái ấm cho người nghèo

Những ngôi nhà gỗ lợp tole sẽ dần chuyển hướng sang nhà hộp kẽm, vuông kẽm phù hợp điều kiện mới.

Phó Trưởng ban Trị sự Trung ương, Trưởng ban Từ thiện - Xã hội PGHH Lê Ngọc Lợi cho biết, hiện có 42 tổ cất nhà từ thiện ở các tỉnh, thành phố, trên 80% tổ đang cất nhà theo mô hình gỗ lợp tole. Mô hình này trong tương lai sẽ không còn hiệu quả vì thiếu nguyên liệu lẫn nguồn nhân lực. Từ năm 2019 trở đi, nhà cho người nghèo và các trường hợp thiên tai sẽ được chuyển đổi dần sang mô hình nhà hộp kẽm, vuông kẽm. Hoạt động cất nhà từ thiện PGHH sẽ phát triển thêm thành viên ở các tỉnh, thành phố chưa có tổ từ thiện để phục vụ cho những yêu cầu cấp bách về nhà ở của địa phương. Đồng thời kết hợp giữa tổ cất nhà từ thiện, UBMTTQ địa phương và những hộ có nhu cầu nhà ở để tăng lượng nhà phục vụ cho bà con nhân dân.

Những ngày cuối năm, ai nấy hối hả với công việc, thu xếp gia đình, những thành viên trong tổ cất nhà khắp các địa phương cũng đang khẩn trương hoàn thành những ngôi nhà từ thiện cuối cùng để người nghèo được ấm lòng đón năm mới.

MỸ HẠNH