Hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng

06/11/2018 - 06:48

 - Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) là nơi vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề nghiệp, cập nhật những kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ dân trí cho bà con địa phương, được người dân đánh giá cao.

Nhiều năm nay, Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân khi tổ chức những hoạt động tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; tập huấn, chuyển giao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, về áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống, sức khỏe và giới tính, dân số và kế hoạch hóa gia đình... Trung tâm có phòng đọc sách báo, bà con có thể thoải mái tìm kiếm những loại sách phù hợp. Ngoài ra, nông dân có thể đến trung tâm truy cập internet miễn phí vào các ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần. 9 tháng của năm 2018, trung tâm đã tổ chức 4 chuyên đề giáo dục pháp luật, có 605 lượt người tham dự; 5 lớp giáo dục sức khỏe, với 225 người tham dự; 1 lớp phổ cập trung học cơ sở, bổ túc văn hóa, với 15 học viên. Bên cạnh đó, trung tâm còn có những lớp võ thuật, phổ cập bơi, được tổ chức thường xuyên, thu hút nhiều học viên tham gia.

Chú Đính bên vườn hoa lan đang khoe sắc

Phó Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng Nguyễn Thành Nhơn cho biết: “Hàng năm, trung tâm đều phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức các lớp học, tập huấn theo nhu cầu của đông đảo bà con. Trong tháng 11 này, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra nhu cầu học tập của người dân địa phương. Việc điều tra giúp đơn vị nắm được tâm tư, nguyện vọng học tập của bà con. Từ đó sẽ tham mưu, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể mở lớp theo nhu cầu người dân. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ thông tin nên tình hình người dân đến nghiên cứu, đọc sách, truy cập internet tại trung tâm bị hạn chế. Nhưng các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ của địa phương vẫn được quan tâm và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Chẳng hạn, Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Mỹ Hòa Hưng hoạt động vào ngày 30 hàng tháng; Câu lạc bộ hát với nhau hoạt động vào ngày cuối tuần”.

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng và Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật hàng năm. Từ việc mở lớp dạy nghề, hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mỗi năm 2 đơn vị phối hợp mở từ 3-5 lớp. Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu khẳng định: “Một lớp học thành công hay không được đánh giá qua sự tham gia của bà con nông dân. Chính vì thế, khi mở lớp tập huấn, chúng tôi phải điều tra, khảo sát nhu cầu của người dân. Từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi đã mở 2 lớp kỹ thuật trồng hoa lan, 1 cuộc hội thảo tổng kết trồng hoa lan trong nhà lưới và 2 lớp dạy nghề nông thôn (thiết kế vườn, trồng cúc pha lê) thu hút gần 200 người tham gia. Nhiều bà con khi thấy được hiệu quả kinh tế mà mô hình trình diễn mang lại, mạnh dạn tham gia, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.

Một trong những người ứng dụng thành công kỹ thuật trồng hoa lan khi tham gia lớp tập huấn là chú Tôn Thất Đính (sinh năm 1966, ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng). Chú Đính tham gia lớp trồng hoa lan của địa phương cách đây khoảng 2 năm. Khi ấy, chú chưa biết gì về kỹ thuật trồng lan, cũng như chưa có niềm say mê với giống hoa này. Từ trồng thử nghiệm, dần dần tăng lên, số lượng lan hiện có trong vườn chú là 500 chậu, vừa tạo thêm nguồn thu cho gia đình, vừa tạo điểm nhấn ấn tượng cho khách khi trải nghiệm du lịch homestay ở nhà chú Đính. “Mỗi tuần, tôi thu hoạch khoảng 20 cành lan để bán lẻ với giá trung bình 10.000 đồng/cành. Hiện, tôi đang chăm sóc để lan trổ hoa đẹp, ra mắt vào dịp Tết. Nhờ lớp tập huấn trồng lan đã tham gia học mà tôi bắt đầu biết và nuôi dưỡng niềm đam mê với các giống lan”- chú Đính bày tỏ.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì kết quả đạt được, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng tính thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, góp phần tích cực hơn nữa vào việc duy trì và nâng chất nông thôn mới”- ông Nguyễn Thành Nhơn bộc bạch.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN