Hợp tác phát triển bền vững

09/04/2018 - 06:20

 - Dựa vào lợi thế nông nghiệp (NN) nhưng tiến tới NN công nghệ cao, NN xanh, hữu cơ, sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời, ươm tạo đội ngũ doanh nghiệp có ý tưởng, tâm huyết với NN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Đó là định hướng cho một An Giang phát triển bền vững.

Vượt qua khó khăn

Hiện nay, mối quan hệ giữa An Giang và TP. Pitea (Thụy Điển) trở nên gần gũi, thân thiết. Các bên dễ dàng trao đổi và đạt đồng thuận nhanh nhiều vấn đề mà 2 địa phương cùng quan tâm. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như bây giờ, An Giang và Pitea đã phải vượt qua nhiều rào cản. Ngôn ngữ, văn hóa khác nhau, đặc thù thời tiết, điều kiện tự nhiên quá khác biệt, khoảng cách địa lý rất xa… là những nguyên nhân khiến 2 bên còn bỡ ngỡ, lạ lẫm khi làm việc cùng nhau. 

“An Giang và Pitea đã cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, thử thách để các giai đoạn hợp tác đều đạt được thành công. Việc hợp tác giữa An Giang và Pitea giai đoạn 2018-2020 sẽ tiếp tục đạt hiệu quả vì 2 bên đã có nhiều trải nghiệm quý giá. Bài học kinh nghiệm được rút ra là việc phối hợp phải nhịp nhàng, các công việc phải cụ thể và nội dung phải chính xác” - TS Hồ Việt Hiệp, nguyên Trưởng ban Điều hành Chương trình hợp tác giữa An Giang với Thụy Điển chia sẻ.

Từ nỗ lực làm việc cùng nhau, cả 2 giai đoạn hợp tác giữa An Giang và Pitea đều thu được những kết quả thiết thực. Giai đoạn đầu hợp tác (2012-2014), dự án “An Giang và Pitea - Cộng đồng bền vững” đã giúp nâng cao năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo và nhận thức của cộng đồng về giá trị của phụ phẩm NN.

Nhiều máy cuốn rơm đã được trang bị để tận dụng rơm trên đồng, nhiều nhà máy củi trấu được xây dựng để biến phế phẩm trấu thành năng lượng, tận dụng tro trấu làm phân bón...

Giai đoạn 2015-2017, An Giang và Pitea tiếp tục triển khai dự án “Kế hoạch hành động tận dụng chất thải từ cây lúa”. Qua đó, nhận thức về năng lượng sinh khối trong cộng đồng đã được nâng cao, nhiều mô hình kinh tế tận dụng chất thải từ cây lúa được nhân rộng, giúp nông dân tăng thu nhập, bảo vệ môi trường (tận dụng rơm ủ Urea nuôi bò, trồng nấm, tủ đất trồng rau màu…).

Chỉ riêng công việc thu gom rơm đã mang về thu nhập cho chủ máy 1 triệu đồng/ngày, nông dân bán rơm trên mặt ruộng được 300.000-500.000 đồng/ha.

Hợp tác phát triển bền vững

Đoàn công tác TP. Pitea làm việc tại An Giang cuối tháng 3-2018

Chung tay hành động

Những kết quả nổi bật đạt được sau 2 giai đoạn 2012-2014 và 2015-2017 là cơ sở quan trọng để tỉnh An Giang và TP. Pitea tiếp tục đề xuất Chính phủ Việt Nam và Thụy Điển phê duyệt kế hoạch hợp tác giai đoạn 2018-2020. Lần này, nội dung hợp tác được nâng lên khi 2 bên triển khai dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một An Giang phát triển bền vững”. Phía TP. Pitea đã chủ động gửi kế hoạch dự án cho ICLD (Trung tâm Quốc tế về dân chủ địa phương Thụy Điển) và được cơ quan này phê duyệt tài trợ.

Hiện nay, cả phía An Giang và Pitea đều đang tích cực chuẩn bị các phần việc để sớm triển khai dự án giai đoạn 2018-2020. Mới đây, Ban Điều hành (BĐH) dự án TP. Pitea đã có chuyến khảo sát thực tế tại An Giang và làm việc với BĐH Chương trình hợp tác giữa An Giang với Thụy Điển. Nhiều nội dung trong kế hoạch hợp tác đã được trao đổi, thống nhất. Trong đó có việc tính toán xây dựng nhà máy điện trấu tại An Giang.

“Trước đây, trấu hầu như đổ bỏ gây ô nhiễm môi trường, hiện nay có giá bán khá cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên chi phí cho nguồn nguyên liệu trấu tương đối lớn. Việc sử dụng phụ phẩm từ NN cần tính toán để đạt hiệu quả cao nhất. Phía TP. Pitea có thể hỗ trợ An Giang tham quan, học tập kinh nghiệm ở những nước có công nghệ xây dựng nhà máy điện trấu như Thái Lan, Trung Quốc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đề xuất.

Ông Thi cho rằng, bên cạnh dự án nhà máy điện trấu, TP. Pitea có thể nghiên cứu, hỗ trợ An Giang công nghệ khai thác năng lượng mặt trời (NLMT). “An Giang có bức xạ nhiệt mặt trời rất lớn nên tiềm năng khai thác nguồn năng lượng tái tạo này rất khả quan. Tỉnh đã quy hoạch 1.000ha đất cho NLMT” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Dự kiến tháng 8-2018, đoàn công tác An Giang sẽ có chuyến làm việc tại TP. Pitea. Một trong những chủ đề rất được quan tâm là việc nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm và nhận chuyển giao công nghệ từ Công viên Khoa học TP. Pitea - một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu Châu Âu.

Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh và Trường Đại học An Giang được giao nhiệm vụ kết nối với Công viên Khoa học TP. Pitea để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến cho các đơn vị. Từ đó, tiếp tục chuyển giao công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, tiến tới xây dựng một An Giang phát triển bền vững với nền NN xanh, hiện đại, phát triển năng lượng tái tạo, ươm mầm và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong lĩnh vực NN, nông thôn.

“Chúng tôi tự hào về các nội dung đã hợp tác với An Giang, thật sự hào hứng chờ đợi kết quả tốt đẹp của dự án giai đoạn 2018-2020. TP. Pitea rất trân trọng tình cảm mà tỉnh An Giang dành cho chúng tôi và luôn mong muốn sẽ kéo dài thời gian hợp tác hơn nữa” - bà Brith Faldt, Chủ tịch Ủy ban phát triển cộng đồng TP. Pitea nhấn mạnh.

 

NGÔ CHUẨN