Khi “check-in” trở thành vấn nạn

15/11/2019 - 08:17

 - Cụm từ “check-in” đã quá quen thuộc với người sử dụng mạng xã hội, với mục đích đánh dấu vị trí, diễn tả nhân vật đang có mặt tại một nơi, địa điểm cụ thể cho bạn bè biết. Việc “check-in” hoàn toàn không phải chuyện xấu, nó chỉ xấu khi một số người kém ý thức lạm dụng quá đà cho việc chụp ảnh, lưu vết tích các kiểu ở những nơi mình đi qua chỉ để “sống ảo” và gây phiền toái cho người khác.

Khi “check-in” trở thành vấn nạn

Những dòng tâm sự trên thành cầu tại Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn)

Khi “check-in” trở thành vấn nạn

Một trong rất nhiều vết tích được lưu lại tại chữ “Tri Tôn” trên đỉnh núi Tô (Tri Tôn)

Thời đại lên ngôi của hình ảnh trên mạng xã hội, chuyện bị làm phiền bởi những người đang chụp ảnh là rất bình thường. Tuy nhiên, đó là khi mọi người biết lịch sự trong không gian chung. T. (một nhân viên phục vụ quán cà phê tại phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) kể: “Quán trang trí không quá cầu kỳ nhưng được cái lạ, nhiều bạn đến chụp hình. Trong quán còn có những góc riêng dành cho các nhóm học sinh, sinh viên ngồi học, trao đổi. Vậy nhưng, một số khách dù thấy có nhóm đang im lặng đọc sách vẫn đi tới đi lui chụp đủ kiểu ảnh chân dung, mỗi lần xem lại hình trên điện thoại thì cười phá lên. Thậm chí, nhiều khách nữ bỏ hết thời gian ở quán chỉ để chụp hình và gọi thức uống, chứ suốt 3 tiếng đồng hồ không dùng đến”. Còn anh H.T. (ở TP. Châu Đốc) khi nhắc đến những người có sở thích… đem mọi thứ lên mạng xã hội liền thở dài: “Tôi rất “dị ứng” với mấy người đi đường mà tay phải lái xe, tay trái cầm điện thoại quay, hỏi thì họ nói thấy cảnh đẹp, lạ thì quay… chơi (?!) về khoe với bạn bè. Hành động này vừa nguy hiểm, vừa bất tiện cho những người lưu thông khác trên đường. Bây giờ có điều kiện, mỗi người sở hữu 1-2 điện thoại thông minh là việc dễ dàng, đi chơi, mua sắm, đi chùa… cũng giơ điện thoại lên, không chụp thì quay, không quay thì nhờ người khác chụp cho mình, đến bó hoa hay dĩa trái cây trước khi dâng chùa cúng cũng chụp”.

Chị M.L (sinh sống tại thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) cho biết, chị thường vào Thiền viện Trúc Lâm An Giang để dạo mát mỗi buổi chiều. Từ ngày có thiền viện, người dân tập trung khá đông để ngắm cảnh, cho cá ăn, tản bộ, trò chuyện. Đáng buồn là nơi đây còn nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thành nhưng dấu vết các bạn trẻ đã nhan nhản khắp nơi. Trên thành cầu bắc giữa lòng hồ là chi chít những dòng chữ tâm sự: “Có ai ở đây không, em cô đơn quá, em muốn có người yêu”, “L và D đã từng đến đây, chúng ta mãi là bạn thân” và những câu vần, câu thơ không bao giờ xóa được. Chưa kể vào giờ cao điểm, những ai đi lên cầu ngắm cảnh, nếu “chẳng may” gặp phải một nhóm bạn trẻ đang “check-in” bằng thú vui chụp hình là phải đợi thật lâu để họ đứng, ngồi, nghiêng đủ kiểu.

Vấn nạn này đang diễn ra ở rất nhiều nơi công cộng. Đâu chỉ chụp ảnh "sống ảo" trên mạng xã hội bằng việc tạo dáng, nhiều bạn còn “hồn nhiên” lưu lại dấu vết ở mọi nơi mình đi qua, như: vẽ chữ, lấy đá khắc lên lan can gỗ, trụ nhà, tường của các công trình. Bất kỳ nơi nào thấy “vừa mắt” là để lại minh chứng: “X yêu N”, “K và T mãi mãi hạnh phúc”… Không ai biết các bạn là những người nào, đang hạnh phúc đến đâu, chỉ thấy gây bức xúc cho người đến sau và hình ảnh xấu xí cho những nơi mình đi qua. Gần đây, điểm "check-in" là chữ “Tri Tôn” trên núi Tô được nhiều người rủ nhau đến “sống ảo”. Ngoài cảnh đẹp lý tưởng, nơi mới mẻ này cũng không thiếu…những dấu khắc thể hiện tình yêu của các cặp đôi. Bạn T.T tâm sự: “Chuyện này đi đâu cũng thấy, chỗ nào có người lui tới là chỗ đó có tình trạng lưu lại dấu tích cá nhân. Tôi còn gặp ở các điện thờ trên núi, thân cây, kể cả vách đá cứng mà họ còn có cách lưu tên cùng vài câu tâm sự kiểu than thở, hứa hẹn”.

Chụp ảnh “check-in” khi đi du lịch là nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhằm lưu lại khoảnh khắc và kỷ niệm của chuyến đi. Đồng thời, mỗi người có thể giới thiệu cho người khác về sự trải nghiệm của mình với những địa điểm đẹp, những món ăn ngon, thú vị gây tò mò. Thay vì tận hưởng, trải nghiệm thực tế, nhiều người dành quá nhiều thời gian để có một bức ảnh đẹp “cúng” mạng xã hội như cách nói phổ biến hiện nay. Đằng sau mỗi tấm ảnh, ở mỗi nơi chúng ta đi qua rất cần sự ý thức, trách nhiệm đối với những công trình, không gian chung, bởi đó là cách hành xử, sự chừng mực thể hiện văn hóa của con người cả vùng, miền.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích